QĐND Online – Đây là khẳng định của PGS Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tại Hội nghị Cấp vùng Châu Á và Châu Đại Dương lần thứ 5 Các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (AOR-5), khai mạc sáng 2-12, tại Trường ĐH Bách khoa, Hà Nội.

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 150 nhà quản lý, nhà khoa học trên khắp thế giới

Đây là một trong hai sự kiện hằng năm quan trọng nhất trong lĩnh vực Hàng không vũ trụ khu vực Châu Á và Châu Đại dương. Hội nghị nằm trong khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) do Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS)- Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp với các đối tác quốc tế (Ủy ban Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về GNSS (ICG); Tổ chức Quốc tế về Dịch vụ GNSS (IGS); Cơ quan Khám phá Không gian Nhật Bản (JAXA); Tổ chức Phát triển Dịch vụ Hệ thống định vị Nhật Bản (QSS), và Dự án EU-FP7 Growing NAVIS) tổ chức.

Hội nghị AOR-5 được tổ chức với mục đích thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ định vị sử dụng vệ tinh trong môi trường đa hệ thống GNSS (multi-GNSS). Chương trình của Hội nghị tập trung vào việc cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình phát triển GNSS trên thế giới; cũng như trình bày các kết quả nghiên cứu, ứng dụng định vị đa hệ thống để giải quyết các bài toán cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường sống tại các quốc gia trong khu vực Châu Á và Châu Đại Dương.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: GNSS đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội từ dân dụng đến an ninh-quốc phòng. Hiện nay, công nghệ GNSS đang có những bước phát triển mạnh mẽ, GPS đã không còn là hệ thống cung cấp dịch vụ định vị duy nhất, hiện tại và tương lai thế giới sẽ được bao phủ bởi các nhà cung cấp dịch vụ khác.

PGS Nguyễn Cảnh Lương nhấn mạnh: Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi, được coi là khu vực hưởng lợi nhiều nhất từ việc hình thành môi trường định vị đa hệ thống này, vì vậy trong việc cập nhật kiến thức công nghệ mới cũng như nghiên cứu, thảo luận, tìm ra các giải pháp hiệu quả tận dụng môi trường định vị đa hệ thống trong phát triển bền vững kinh tế, xã hội là yêu cầu cấp bách đối với quốc gia.

"Việc đăng cai tổ chức hội nghị lần này sẽ tạo cơ hội cho giảng viên, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thể tìm hiểu và trao đổi với các nhà khoa học trên thế giới về các thông tin và giải pháp ứng dụng trong lĩnh vực GNSS tại Việt Nam", PGS Nguyễn Cảnh Lương tin tưởng.

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 150 nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các cơ quan quản lý khai thác hệ thống GNSS, các tổ chức, các trường đại học, các viện nghiên cứu, và các công ty hoạt động trong lĩnh vực GNSS nói riêng và công nghệ hàng không - vũ trụ nói chung trên khắp thế giới.

Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 3-12.

Tin, ảnh: THU HÀ