Quan tâm đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra của gói hỗ trợ

Tại Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình.

Cụ thể như: Tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022 khoảng 102.000 tỷ đồng, tăng tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua). Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đánh giá đây là những chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, gói hỗ trợ phải quan tâm đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra.

Đại biểu nhấn mạnh: Mục tiêu của gói phục hồi lần này hướng đến việc chấp nhận bội chi và đi vay, để sau một thời gian nhất định thu được chi phí lớn hơn. Vì vậy, vấn đề hiệu quả của dự án là phải trả lời được câu hỏi, với hơn 346.000 tỷ đồng đạt kết quả cụ thể gì và với mục tiêu như vậy, đề án cần quy định rất rõ hiệu quả đầu ra.

 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Trọng Hải 

Tuy nhiên, theo đại biểu, đối chiếu với Nghị quyết, nội dung này chưa được cụ thể hóa. “Dù trong dự thảo Nghị quyết quy định 3 mục tiêu là: Tăng trưởng GDP từ 6,5-7% và phục hồi sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội; nhưng với các mục tiêu khái quát như vậy, nếu không có cam kết kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác cho hiệu quả sau này”, đại biểu phân tích.

Đề xuất tăng gói hỗ trợ dành cho người lao động

Đánh giá Chính phủ đã chủ động, khẩn trương và cầu thị trong quá trình xây dựng chính sách tài khóa tiền tệ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) bày tỏ quan tâm đến người lao động và thị trường lao động. 

Theo đại biểu, cuộc suy thoái kinh tế lần này đã để lại hậu quả nặng nề đến thị trường lao động và người lao động; tình trạng mất việc, giãn, giảm việc làm rất rõ.

Nữ đại biểu dẫn chứng nhiều số liệu cho thấy: “Trong quý III, cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải chịu tác động của đại dịch. Trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc. Biến thể Delta đã cuốn đi khoảng 1/4 mức lương bình quân tháng của người lao động vùng Đông Nam Bộ. Đồng lương của người lao động vốn không dư dả thì nay vì dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn.”

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Trọng Hải

Đại biểu cho biết thêm: Qua khảo sát 43.000 lao động mất việc, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ duy trì cuộc sống trong 1 tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống cho 3 tháng và chỉ có hơn 4% đủ duy trì cuộc sống cho trên 4 tháng.

Một nghịch lý cũng được đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhắc đến về thị trường lao động. Đó là, nơi cần người lao động thì không có, nơi có thì không cần. Từ đó, đại biểu kiến nghị tăng gói hỗ trợ cho người lao động, cả chính thức và phi chính thức; hỗ trợ tiền xây nhà ở cho công nhân; hỗ trợ xét nghiệm, đi lại, tư vấn cho người lao động khi trở lại làm việc…

Ngoài ra, một số đại biểu cũng cho rằng đây là gói hết sức quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, như lĩnh vực như: Du lịch, vận tải hành khách, ngành hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn…

“Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng vay để mang đi đầu tư các lĩnh vực khác, gây rủi ro, làm suy giảm nền kinh tế”, đại biểu đề nghị.

Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp là trọng tâm ưu tiên, nhưng phải tính toán cẩn trọng, cần hỗ trợ phù hợp, tính toán sức hấp thụ đến đâu, cần cung cấp cho doanh nghiệp cho hướng đi và cách đi, “trao cần câu hơn cho con cá”. Do đó, chính sách tài khóa cần đẩy mạnh đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phải theo xu thế phát triển với những dự án có tính lan tỏa cao…

HẰNG PHƯƠNG