Tờ trình nêu rõ: Căn cứ Điều 88 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, căn cứ Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội, căn cứ Nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 từ tháng 4-2016 giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngay sau khi nghe tờ trình, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ. Chiều nay, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tuyên thệ nhậm chức. Lễ tuyên thệ sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Quốc hội giới thiệu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: TTXVN.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, sinh ngày 20-7-1954 tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa: X, XI và XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa: XI và XII; đại biểu Quốc hội khóa: XI, XIII, XIV.
Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 từ ngày 7-4-2016.
* Trước đó, mở đầu phiên họp sáng nay, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận tại đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Các đại biểu Quốc hội đều cơ bản nhất trí với nội dung trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo đó, các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được Chính phủ nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương ban hành quy chế làm việc của Chính phủ, nghị định khung và nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ; chỉ đạo ban hành cơ cấu làm việc của bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm đổi mới, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đại hội lần thứ 12 của Đảng, Kết luận số 64 của Trung ương Đảng và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Sau đó, dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nêu rõ: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ, cụ thể gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và 4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ. Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Với 462/469 đại biểu tán thành (bằng 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
NGUYỄN THẢO