Kỳ I: Gần 9 năm đưa ý tưởng tới hiện thực  

Nếu con đường đưa Việt Nam tới Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mất 11 năm và qua 15 vòng đàm phán, thì để có được lễ ký kết EVFTA và EVIPA vào ngày mai (30-6), Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng phải mất gần 9 năm với nhiều cuộc đàm phán căng thẳng ở các cấp.

Hành trình khó khăn

Tháng 10-2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán EVFTA. Gần hai năm sau, tháng 6-2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. Đến tháng 12-2015, hai bên bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết EVFTA.

Tuy nhiên, đến tháng 9-2017, EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi EVFTA thành hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt. Một là Hiệp định Thương mại tự do, chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời. Hai là Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. EVIPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu (EP) và của nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Phiên họp giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmström ngày 25-6-2018. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Vũ Anh Quang, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU, ngày 25-6-2018, hai bên đã nhất trí về toàn bộ nội dung hai hiệp định trên. Nhưng EU là liên minh của nhiều nước, thủ tục nội bộ, pháp lý để ký các điều ước quốc tế không thể nhanh như đối với một quốc gia. Ngoài khó khăn khi dịch hai hiệp định trên ra ngôn ngữ của các nước thành viên, phải rà soát các văn bản dịch để bảo đảm không có xung đột pháp lý-ngôn ngữ giữa các văn bản, EU cũng gặp một số khó khăn khi phải tập trung hoàn thành gấp các thủ tục nội bộ đối với Thỏa thuận Brexit (về việc Anh rời EU) hay chuẩn bị cho cuộc bầu cử EP vào tháng 5-2019…

Tuy nhiên, với nỗ lực của cả hai phía, ngày 17-10-2018, Ủy ban châu Âu đã nhất trí thông qua hai hiệp định trên đúng vào dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm làm việc EU và dự cấp cao ASEM. Sáng 25-6-2019, tại cuộc họp Hội đồng châu Âu, các nước EU đã chính thức thông qua cả hai hiệp định này.

Hiệp định bảo đảm cân bằng về lợi ích của hai bên

EVFTA và EVIPA đã được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Với 17 chương, hai nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính, gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý-thể chế, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU; đồng thời phù hợp với các quy định của WTO, cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt, các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Theo lịch trình, sau khi được ký kết, EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam cũng như EP và nghị viện của các nước thành viên bỏ phiếu thông qua. Về phía Việt Nam, các ủy ban liên quan của Quốc hội sẽ nghiên cứu, cho ý kiến thẩm định về hai văn kiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình phê chuẩn các điều ước quốc tế.

Tuy nhiên, vì không phải một quốc gia nên quy trình phê chuẩn của EU phức tạp hơn. Theo quy định của EU, EVFTA sẽ có hiệu lực sau khi được Quốc hội Việt Nam và EP phê chuẩn. Trong khi đó, EVIPA sẽ có hiệu lực chậm hơn, vì sau khi được quốc hội hai bên phê chuẩn, còn phải chờ quốc hội của các quốc gia thành viên EU phê chuẩn. “Do EP mới tiến hành bầu cử hồi tháng 5 vừa qua nên trong thời gian tới EP phải ổn định về tổ chức, nhân sự. Vì vậy, nhiều khả năng EP bắt đầu xem xét EVFTA và EVIPA vào tháng 9 hoặc 10-2019 và bỏ phiếu phê chuẩn vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020”, Đại sứ Vũ Anh Quang cho biết.

(còn nữa)

LINH OANH