Bánh mứt, kẹo - loại thực phẩm đặc trưng của ngày Tết cũng rất khó kiểm soát về chất lượng (ảnh minh hoạ).

Đó là nhận định của các chuyên viên đoàn kiểm tra liên ngành Chương trình thanh tra thực phẩm mùa Tết. Không chỉ thế, ghi nhận riêng của phóng viên tại những "chợ" đầu mối về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng vẫn là... trường ca: "Biết rồi, khổ lắm nói mãi".

Từ ghi nhận của phóng viên: Phẩm màu, phụ gia hoá chất bán rẻ như bèo...

Dạo một vòng các chợ sỉ, chợ đầu mối như Bình Tây, Bến Thành và An Đông đã thấy dịch vụ kinh doanh thực phẩm Tết như bánh mứt kẹo, lạp xưởng... bắt đầu vào vụ. Thế nhưng, đằng sau những món hàng thực phẩm đầy hấp dẫn ấy, không ai dám đảm bảo sự ATVSTP.

Chị Thuỷ - bán hàng của shop B.K tại chợ Bến Thành "thú thật" với khách hàng quen: Làm gì thì làm, để mứt được ngon và mướt thì phải sử dụng chút ít hàn the. Không có thì không thể nào giữ được độ giòn và dai của mứt. Song, chỉ cho một chút thôi, không thể lạm dụng, dùng nhiều quá nguy hại đến sức khoẻ của người mua (!?). Tuy nhiên, trên thực tế thì "một chút" của chị Thuỷ thì không ai có thể biết được là bao nhiêu.

Qua khảo sát thêm tại chợ chuyên kinh doanh các hoá chất, phụ gia chế biến thực phẩm mới thấy "lạnh người" hơn khi những hàng hoá loại này ở đây bán rẻ như bèo. Và những phụ gia làm bánh mứt lại được bày bán chung với những loại hoá chất để... tẩy rửa. Đó là chưa nói đến giá cả của những loại hoá chất dùng để tẩy trắng dừa (trong chế biến mứt dừa) chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg là đủ dùng chế biến cho hàng trăm ký dừa.

Tại chợ này còn bày bán rất nhiều "phụ gia" khác như bột béo (thay cho nước cốt dừa), bột nở (được nhiều người cho biết loại này chỉ được dùng trong công nghiệp, để chế biến nệm caosu cho mềm nở (!). Vậy mà thực tế ghi nhận những hoá chất này đã bán rất chạy từ hơn một tháng qua, cũng đúng vào mùa vụ của các cơ sở chuyên chế biến, kinh doanh bánh mứt kẹo hàng tết...

Đến phát hiện của thanh tra: Hàng "bỏ mối" siêu thị không an toàn

Điển hình cho vi phạm này là sản phẩm nem chua, giò chả mang nhãn hiệu Việt Hương (cơ sở sản xuất đặt tại Q.Tân Bình). Song, thực tế ghi nhận của đoàn thanh tra là cơ sở sản xuất của Việt Hương rất mất vệ sinh, xuống cấp trầm trọng và điều quan trọng hơn là cơ sở này đã sử dụng nguyên liệu sản xuất (cụ thể là tai heo) không có nguồn gốc rõ ràng, mua hàng trôi nổi, chưa qua kiểm dịch.

Ngoài ra, cũng tại cơ sở này còn phát hiện những vi phạm khác như sản xuất một số loại đồ hộp nhưng lại không ghi rõ ngày sản xuất. Ngoài cơ sở Việt Hương, tại CS Nhật Hưng chuyên sản xuất khô bò cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nguyên liệu để chế biến khô bò là thịt bò lại bị đánh tráo bởi... thịt trâu (giá thành rẻ chưa bằng 1/2 giá thịt bò). Đó là chưa kể tình trạng vệ sinh nơi sản xuất cũng rất "bết bát", dơ bẩn, nồng nặc mùi hôi thối...

Qua đợt kiểm tra vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành còn ghi nhận vi phạm chủ yếu ở các cơ sở sản xuất tư nhân, cá thể với việc không đảm bảo vệ sinh môi trường sản xuất và hầu như các cơ sở không chú ý thực hiện khám sức khoẻ cho công nhân.

Cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận ATVSTP... chưa kịp!

Song song với việc tiến hành kiểm tra ATVSTP sản phẩm mùa Tết do các đoàn liên ngành và chuyên ngành của Sở Y tế, UBND các cấp triển khai thì theo kế hoạch của ngành y tế TPHCM, hiện nay cũng đang ráo riết thực hiện việc cấp giấy chứng nhận về đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã quá thời hạn cuối cùng của công tác này hơn 1 tuần. Song, tỉ lệ cơ sở được cấp vẫn chỉ dừng ở con số rất khiêm tốn, xấp xỉ 20% (!?).

Lý giải cho điều này, PGĐ Sở Y tế Lê Trường Giang cho biết: Việc cấp giấy chứng nhận vẫn đang được tiến hành một cách ráo riết, tuy nhiên do lực lượng cán bộ còn mỏng nên vẫn chưa hoàn tất.

Theo Lao động