Ngày 27/4, tại thị xã Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), Tổng công ty cổ phần Xuất - Nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex JSC) đã đưa Nhà máy Xi măng Vinaconex Cẩm Phả vào sản xuất, đánh dấu sự ra đời của một thương hiệu xi măng mới trên thị trường: Xi măng Cẩm Phả. Đây cũng là một công trình được gắn biển Công trình chào mừng 50 năm thành lập ngành Xây dựng Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã dự khánh thành Nhà máy.
Đặt trên địa bàn Quảng Ninh, Nhà máy Xi măng Vinaconex Cẩm Phả có nhiều thuận lợi về nguồn nguyên liệu và hạ tầng cho ngành công nghiệp xi măng. Tại đây, nhà máy có thể sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn nguyên liệu từ các mỏ đá Quang Hanh, mỏ sét Hà Chanh, than Quảng Ninh; đồng thời, nhà máy còn nằm cạnh cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải 15.000 tấn - nơi trung chuyển thuận lợi sản phẩm đầu ra.
Dự án Xi măng Cẩm Phả có tổng đầu tư khoảng 4.740 tỷ đồng, công suất thiết kế 2,3 triệu tấn/năm; sản xuất theo phương pháp khô, sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hoá cao. Dự án này gồm 2 hạng mục, trong đó Nhà máy Xi măng Vinaconex Cẩm Phả là hạng mục chính, được xây dựng trên khu đất 75 ha tại phường Cẩm Thạch, thị xã Cẩm Phả, công suất 1,89 triệu tấn clinker/năm (tương đương 820.000 tấn xi măng PCB 40/năm) để cung cấp cho thị trường phía Bắc. Với dây chuyền sản xuất clinker và xi măng đồng bộ, nhà máy này còn được chủ đầu tư tính toán dự phòng mở rộng quy mô trong tương lai. Cuối tháng 3/2008, nhà máy đã đốt lò và sản xuất mẻ clinker đầu tiên.
Hạng mục thứ hai của dự án là Trạm nghiền Xi măng Cẩm Phả được xây dựng trên khu đất 20 ha tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trạm sẽ tiếp nhận 1,2 triệu tấn clanker/năm từ nhà máy chính để sản xuất khoảng 1,48 triệu tấn xi măng PCB 40/năm cung ứng cho thị trường phía Nam. Đây cũng là một dây chuyền đồng bộ từ tiếp nhận, vận chuyển, dự trữ clinker, thạch cao, nghiền, đóng bao và phân phối xi măng.
Tính đến thời điểm này, Xi măng Cẩm Phả là dự án sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam. Trong quá trình triển khai dự án, lần đầu tiên Vinaconex JSC thực hiện phương thức đấu thầu quốc tế rộng rãi và chia dự án ra nhiều lô thầu theo tính chất công nghệ của từng lô. Ưu điểm của phương thức này là chọn được đúng nhà thầu chế tạo có năng lực, không thông qua trung gian và nhà thầu chịu trách nhiệm trực tiếp. Nhờ đó, tổng giá trị các lô thầu giảm 20% so với báo cáo khả thi và tiết kiệm được gần 30 triệu USD, điển hình là hệ thống máy nghiền kép horomill do hãng SCB (Pháp) thiết kế và chế tạo được sử dụng tại Trạm nghiền. Hệ thống máy nghiền này lần đầu tiên được đưa vào sử dụng ở Việt Nam với ưu điểm gọn nhẹ, sản xuất xi măng độ mịn cao, đặc biệt là tiết kiệm 1/3 điện năng tiêu thụ.
Vinaconex JSC cũng đã áp dụng triệt để công nghệ mới như thay thế kết cấu thép bằng bê tông dự ứng lực (sản phẩm mới của Tổng công ty) cho hệ thống băng tải giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng tuổi thọ, giảm chi phí bảo dưỡng nhờ khả năng chống ăn mòn trong môi trường biển của sản phẩm bê tông dự ứng lực./.

TTXVN-Thu Hằng