 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Lúa và thủy sản là thế mạnh An Giang cần phát huy - Ảnh: Chinhphu.vn |
* An Giang cần gia tăng giá trị từ các sản phẩm nông nghiệp
Ngày 18-3, tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cùng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản đã làm việc với lãnh đạo và doanh nghiệp một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long bàn các giải pháp về sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, mặt hàng cá ba sa là sản phẩm đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tập trung ở ven sông Tiền và sông Hậu và là tiềm năng, lợi thế lớn ở khu vực này. Chỉ sau 10 năm sản lượng nuôi tăng gấp 50 lần, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần… “Công lao này chủ yếu thuộc về người lao động, thích nghi với cơ chế thị trường cộng với các chính sách của Nhà nước, cá tra đã đóng góp vào phát triển chung của đất nước”-Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng đã chỉ ra những vướng mắc về quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển về thể chế, cơ chế đến qui hoạch, kế hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện từ giống, thức ăn, nuôi, chế biến và xuất khẩu. Thiếu liên kết trong “chuỗi” từ sản xuất đến tiêu dùng, không chỉ quản lý nhà nước mà đòi hỏi sự gắn kết giữa các thành phần kinh tế. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành chức năng trong 10 ngày tới phải hoàn thành Đề án sản xuất và tiêu thụ cá ba sa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó phải xác định đây là sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao, đưa cá ba sa trở thành một ngành sản xuất lớn qui mô công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế… xây dựng thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước gắn với đó là đảm bảo môi trường. Thủ tướng yêu cầu, Đề án phải xác định rõ định hướng qui hoạch, cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành để quản lý nhà nước và hợp tác tốt hơn, đặc biệt là các chính sách đối với thức ăn, người nuôi, chế biến, xuất khẩu… từ đó có chính sách hỗ trợ về thuế, vay vốn, nghiên cứu về giống, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đồng thời xây dựng những qui định chặt chẽ về quản lý chất lượng và môi trường.
* Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, An Giang cần nắm chắc thị trường trong nước và xuất khẩu để xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là áp dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị từ các sản phẩm nông nghiệp gắn với đó là phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang về kết quả đã đạt được trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa và thủy sản, cũng là tỉnh có giá trị sản xuất cao nhất trên diện tích đất canh tác. Ngoài ra, các lĩnh vực khác về đầu tư hạ tầng, cụm tuyến dân cư… phát triển nhanh, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ phát triển công nghiệp chậm, chiếm 11% GDP, thấp nhất so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm phát huy tối đa thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa, cá nước ngọt và rau màu, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo An Giang cần đi sâu nghiên cứu phân tích để có giải pháp tổ chức thực hiện, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu, nhất là cá tra và cá ba sa. Tỉnh cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả của các sản phẩm nông thủy sản, đồng thời đưa nhanh điện khí hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí và tăng năng suất lao động…
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, thăm nơi ở thời niên thiếu của Bác Tôn tại thành phố Long Xuyên.
Theo TTXVN