Tiếp cận chủ động với trí tuệ nhân tạo và tài sản số
Dự thảo đã xây dựng các cơ chế ưu đãi doanh nghiệp công nghệ số; phát triển hạ tầng số dùng chung; khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân tài và thử nghiệm công nghệ có kiểm soát.
 |
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Một điểm mới nổi bật trong dự thảo luật là việc chính thức đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào nội dung điều chỉnh của pháp luật. Song song đó, dự thảo cũng lần đầu tiên đưa ra các nguyên tắc quản lý tài sản số, lĩnh vực còn rất mới và phức tạp. Các quy định bước đầu xoay quanh định nghĩa, phân loại và nội dung quản lý tài sản số theo hướng linh hoạt. Chính phủ sẽ quy định cụ thể theo từng lĩnh vực chuyên ngành. Đây là tiền đề quan trọng để quản lý hiệu quả, đồng thời phát triển thị trường tài sản số trong nước.
Dự án luật xác lập rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số. Cơ chế này bao gồm các quy định về nguyên tắc triển khai, tiêu chí lựa chọn, thẩm quyền, trách nhiệm pháp lý, quyền lợi của người dùng, và miễn trừ trách nhiệm đối với các rủi ro khách quan trong thử nghiệm…
Xác định tiêu chí cụ thể phát triển công nghệ số chiến lược
Qua thảo luận, các đại biểu quan tâm tới định nghĩa công nghệ số chiến lược. Theo đó, dự thảo luật quy định công nghệ số chiến lược là một loại công nghệ chiến lược, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của quốc gia, có ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn bao gồm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thực tế ảo, thực tế tăng cường, bán dẫn và các công nghệ số chiến lược khác.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), việc liệt kê mở dễ dẫn đến mâu thuẫn khi xác định chính sách ưu đãi không rõ căn cứ pháp lý để xác định chiến lược, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước khi áp dụng, đặc biệt trong xét duyệt dự án cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), phân bổ nguồn lực. Từ đó, đại biểu đề xuất dự thảo luật định nghĩa công nghệ số chiến lược là công nghệ có tính nền tảng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc tế, tốc độ đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Việc xác định danh mục công nghệ số chiến lược được Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ và căn cứ các tiêu chí như mức độ ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, khả năng tạo đột phá về năng suất, hiệu quả, khả năng ứng dụng rộng rãi trong xã hội và nền kinh tế số, tác động đến quyền số và an ninh dữ liệu quốc gia. Định nghĩa này tạo minh bạch, thống nhất trong quản lý và ưu đãi, làm cơ sở xác định đầu tư công, nghiên cứu trọng điểm, đào tạo nhân lực và thử nghiệm sandbox.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong công nghiệp công nghệ số, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn một số hành vi quy định còn chung chung, rất khó xác định, chứng minh để có thể xử phạt được trong thực tiễn. Do đó, để thuận lợi cho việc xử phạt các hành vi vi phạm, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể về hành vi “xâm phạm quyền riêng tư” (được hiểu như thế nào là xâm phạm quyền riêng tư hoặc những biểu hiện nào được xác định là xâm phạm quyền riêng tư) và “hành vi khác” là những hành vi vi phạm nào.
Phát triển ngành công nghệ số thành trụ cột kinh tế mới
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số không chỉ là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho một ngành công nghiệp mới nổi, mà còn góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đồng thời tạo nền tảng cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào xu thế công nghệ toàn cầu.
 |
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ ý kiến các đại biểu nêu. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng với mong muốn tạo cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số và để đạt được 4 mục tiêu: Trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp xứng đáng vào kinh tế đất nước; hình thành và phát triển được hệ sinh thái về doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch được từ lắp ráp, gia công sang khâu chất lượng cao hơn là sáng tạo, thiết kế, tiến dần làm chủ công nghệ lõi; phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số hiện đại, đồng bộ; thu hút, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành này.
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số một cách kỹ lưỡng, toàn diện, đảm bảo đủ điều kiện để trình thông qua ngay trong Kỳ họp thứ chín này.
Luật Công nghiệp Công nghệ số không chỉ là một đạo luật ngành, mà còn là đòn bẩy thể chế cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là thời điểm vàng để Việt Nam xây dựng được nền tảng pháp lý chủ động, mở đường cho doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển vững chắc, hội nhập sâu rộng và góp phần tạo dựng vị thế mới của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
VŨ DUNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.