QĐND - “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên” được trình bày trong phương hướng dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) trình Đại hội XII của Đảng. Tại sao Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vấn đề này?  

Thực tiễn lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn xác định, cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng, là mặt trọng yếu trong mọi hoạt động của Đảng, góp phần quan trọng quyết định sự thành công của cách mạng. Trong công tác xây dựng Đảng, chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là nền tảng, là một trong những yếu tố căn bản có ý nghĩa quyết định sức chiến đấu của Đảng. Lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định: “Lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Đạo đức là nền tảng của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên, cũng như gốc của cây, nguồn của sông… Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người khác bắt chước”. Nhận rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng ở những giai đoạn, thời điểm khó khăn, phức tạp, Đảng ta luôn tỏ rõ bản lĩnh, kinh nghiệm và có nhiều giải pháp thực hiện, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên luôn được xác định hàng đầu. Trong kháng chiến chống Pháp, tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba (khóa II) tháng 4-1952, Đảng quyết định mở đợt “Chỉnh Đảng, chỉnh quân”, kịp thời giúp cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến lâu dài dựa vào sức mình là chính, khắc phục tư tưởng cầm chừng, lệch lạc. Hiện nay, Đảng ta đang đẩy mạnh quán triệt, thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trở thành những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu được nhiều thành tựu quan trọng. Thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên tích cực học tập rèn luyện, có bản lĩnh vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu.  

Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết thể hiện quan điểm, đường lối nhất quán, kiên quyết của Đảng ta nhằm đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Điều đó cũng khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh của Đảng ta trước những khó khăn, thách thức về công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới. Về tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên, dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, gần dân, sát dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng…”. Cuộc sống vận động, biến đổi không ngừng, nếu cán bộ, đảng viên không cập nhật, không được giáo dục sẽ dẫn đến trình độ lạc hậu, giáo điều, một chiều... Hiện nay, nước ta trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thời cơ thuận lợi và thách thức, khó khăn đan xen. Đây cũng chính là nội dung đấu tranh giai cấp gay gắt trong điều kiện mới. Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách triệt để lợi dụng những hạn chế của Đảng để chống phá. Đó là những vấn đề chi phối đến công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đại hội VII của Đảng cảnh báo 4 nguy cơ, trong đó xác định nguy cơ “Suy thoái biến chất trong cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nguy hiểm nhất”. Đánh giá vấn đề này, dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” chỉ rõ, một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do: “Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng cho cán bộ, đảng viên”. Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục tại một số đơn vị vẫn còn hạn chế, bất cập, chậm đổi mới cả nội dung và phương pháp. Trình độ cán bộ, đảng viên ngày càng cao và có sự hiểu biết qua nhiều nguồn thông tin. Thế nhưng việc học tập chính trị, giáo dục, tuyên truyền các nghị quyết, có đơn vị vẫn theo phương pháp cũ. Không ít bài giảng, thuyết trình, cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn lấy ví dụ thiếu tính thời sự, trong khi nhân tố mới ngày càng nhiều lại không được đề cập, dẫn tới ít sáng tạo mà chủ yếu vẫn là sao chép nên tính giáo dục, tính chiến đấu, tính thuyết phục chưa cao. Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm học tập của một số cán bộ, đảng viên còn thiếu tích cực, ngại khó, ngại khổ.

Đổi mới tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên là quá trình sử dụng tổng thể các biện pháp, phương pháp đặc thù tác động vào ý thức, tình cảm cán bộ, đảng viên, hình thành, củng cố, làm chuyển biến tư tưởng, đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên một cách có chủ định. Công tác này phải đi trước, có nhiệm vụ mở đường và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục từ trước, trong và sau mỗi nhiệm vụ. Để thực hiện điều đó đòi hỏi trách nhiệm chính trị cao của Đảng và cả hệ thống chính trị, trước hết là vai trò trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở. Bên cạnh đa dạng các hình thức, phương pháp giáo dục, cấp ủy các cấp, nhất là cấp chi bộ cần đưa nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống vào nghị quyết của chi bộ và nội dung sinh hoạt chuyên đề, gắn giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống với phổ biến giáo dục pháp luật. Công tác giáo dục, tuyên truyền phải luôn bám sát thực tiễn, nhạy bén nắm bắt được diễn biến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, đảng viên; qua đó, phân loại đối tượng để có phương pháp, nội dung giáo dục phù hợp.

Vấn đề quan trọng của đổi mới tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên là phải góp phần cổ động, thúc giục tư tưởng hành động, nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên. Thực tiễn cho thấy, cán bộ, đảng viên cấp dưới không chỉ học tập kiến thức cán bộ cấp trên mà còn học nhân cách, đạo đức, tác phong... Những đơn vị, địa phương, cán bộ chủ trì gương mẫu thì công tác giáo dục, tuyên truyền luôn thấm sâu, có sức thuyết phục, hiệu quả cao và ngược lại. Do vậy, việc thực hiện có chiều sâu Chỉ thị 03 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cán bộ chủ trì luôn phải là tấm gương sáng, cổ vũ, thúc giục cán bộ, đảng viên cấp dưới noi theo. Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã nhấn mạnh: “Xây dựng và thực hiện tốt các quy định về phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị”. Thực hiện nội dung này, cấp ủy các cấp cần xây dựng tiêu chí chuẩn mực về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, pháp luật nhà nước, quy chế, quy định đơn vị. Cán bộ đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần đề cao trách nhiệm, gương mẫu sâu sát, chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, trao đổi, tọa đàm kết quả làm theo lời Bác, phát hiện nhân rộng điển hình, xây dựng tư tưởng tích cực, tiến bộ trong cơ quan, đơn vị. 

Tập trung đổi mới giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc là biện pháp hiệu quả, góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái. Bên cạnh nâng cao chất lượng biên soạn tài liệu, đổi mới phương pháp giáo dục ở nhà trường, các ngành cũng cần biên soạn nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thành tài liệu ngắn gọn cấp phát đến cán bộ, đảng viên. Cùng với thực hiện tốt chương trình giáo dục cơ bản, các đơn vị, địa phương cần đổi mới thông qua các hình thức: Tự nghiên cứu, sinh hoạt chính trị tư tưởng, hội thi, thông báo thời sự, phong trào thi đua... Để thực hiện, các cấp cần xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể, tổ chức khoa học, phát huy dân chủ sáng tạo của người học, biến các đợt học tập nghị quyết thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Các đơn vị cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo nhu cầu cao về học tập chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phương pháp giáo dục cần coi trọng liên hệ định hướng tư tưởng sát thực tiễn, kịp thời dự báo tình hình để có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước quần chúng, có thái độ, động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn.

* Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7

Đại tá ĐỖ VĂN BẢNH