QĐND Online – Khoá tập huấn về tập trung tăng cường năng lực, hiệu quả công tác phòng chống sử dụng đồ uống có cồn của người điều khiển phương tiện giao thông do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Hiệp hội An toàn đường bộ quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại TP Phủ Lý (Hà Nam).

Các đại biểu đến từ nhiều quốc gia đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong việc cưỡng chế hiệu quả các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đó là những kinh nghiệm có thể áp dụng và vận dụng phù hợp với tình hình an toàn giao thông tại Việt Nam hiện nay, hỗ trợ tích cực cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc bảo đảm an toàn giao thông quốc gia.

Khoá tập huấn lần này nằm trong Dự án An toàn giao thông đường bộ tại 10 quốc gia (RS-10-V) và phòng chống sử dụng đồ uống có cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Tham gia giảng dạy là các giảng viên giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Trong 3 ngày tập huấn (từ ngày 18 đến 20-10), các đại biểu đã tập trung thảo luận về các biện pháp tăng cường cưỡng chế, kỹ thuật cưỡng chế và quy trình cưỡng chế hiệu quả đối với các đối tượng vi phạm nồng độ cồn; cách sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn qua hơi thở, đặc biệt là việc trang bị máy đo cho cảnh sát giao thông tại các tỉnh.

Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn trong khí thở của người tham gia giao thông. Ảnh: Internet

Bà Gayle DiPietro, điều phối viên dự án RS 10 - Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu nhấn mạnh: “Sử dụng đồ uống có cồn khi điều khiển các phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây ra chấn thương giao thông đường bộ tại Việt Nam. Việc thực thi nghiêm khắc các quy định về nồng độ cồn, nghiêm cấm người sử dụng đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông là biện pháp hiệu quả làm giảm tử vong và chấn thương do tai nạn giao thông”.

Dự án RS-10-V là một phần của chương trình giảm gánh nặng chấn thương giao thông đường bộ tại 10 quốc gia có gánh nặng chấn thương lớn. Giai đoạn đầu của chương trình mới này sẽ được triển khai thực hiện đến hết năm 2011 tại tỉnh Hà Nam và Ninh Bình.

Nguyễn Oanh