Các bạn đọc của báo Quân đội nhân dân liên tục hỏi Tòa soạn: Cả nhà chúng tôi và bạn bè đang rất băn khoăn trong việc lựa chọn “thịt sạch” như những ngày qua. Là vì, muốn mua thịt gia cầm thì sợ nhiễm cúm H5. Muốn ăn thịt trâu, bò thì lo bệnh lở mồm, long móng. Tìm đến các món thịt lợn thì lại sợ bệnh tai xanh. Vậy nó là bệnh gì, cách phòng, chống ra sao và thịt lợn có còn được sử dụng nữa hay không...?

Phóng viên báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Văn Năm, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tìm hiểu về Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS), còn gọi là bệnh tai xanh ở lợn.

Bệnh tai xanh ở lợn có xuất xứ từ nước ngoài

- Cái tên Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) khó nhớ. Vậy nên, trước khi có cách gọi “thuần Việt” là bệnh tai xanh, nhiều người vẫn nghĩ đó là “bệnh lạ”. Hiểu thế nào cho đúng thưa ông?

- Hồi đầu năm nay, khi một số tỉnh phía Bắc có hiện tượng lợn bị Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (gọi tắt là PRRS), nhiều người, kể cả báo chí, vẫn gọi đó là “bệnh lạ”. Thực ra, đối với chúng tôi, bệnh này không lạ.

Bệnh tai xanh ở lợn có xuất xứ từ nước ngoài

Không chỉ ở ta, mà ngay trên thế giới cũng không thống nhất cách “đọc” bệnh. Hội chứng PRRS được ghi nhận lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1987. Lúc đó, do chưa xác định được căn nguyên nên được gọi là “bệnh bí hiểm ở lợn”. Sang đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, dịch phát hiện thêm ở châu Âu, châu Á và được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Hội chứng hô hấp và vô sinh của lợn (SIRS), bệnh bí hiểm ở lợn (MDS), Hội chứng hô hấp và sảy thai ở lợn (PEARS). Một số người căn cứ theo triệu chứng gọi là “bệnh tai xanh ở lợn”. Năm 1992, Hội nghị quốc tế về bệnh này đã nhất trí với cách gọi Hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn, và đã được Tổ chức Thú y Thế giới công nhận. Còn ở ta, vẫn được mọi người gọi là bệnh tai xanh cho dễ hiểu.

- Như thế, loại bệnh này có xuất xứ từ nước ngoài. Vậy nó được phát hiện tại Việt Nam khi nào, thưa ông?

- Hiện tại, hội chứng này đã lây lan đến rất nhiều nơi trên thế giới, trở thành “dịch địa phương”. Ở nước ta, bệnh được phát hiện vào năm 1997, trên đàn lợn nhập từ Mỹ, qua xét nghiệm có 10/51 con có huyết thanh (mẫu máu) dương tính. Hồi đầu năm nay, tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng… đã bùng phát dịch, sau đó được ngăn chặn, khống chế kịp thời. Tháng 7 vừa qua, dịch xuất hiện tại miền Trung, lúc đầu là ở Quảng Nam, sau lan rộng ra Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế và mới đây là Vĩnh Long.

- Thật ra, nhiều người vẫn rất lơ mơ về Hội chứng PRRS?

- Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh và có thể gây chết nhiều lợn nhiễm dịch. Nguyên nhân là do vi-rút, có thể phá huỷ và giết chết đại thực bào của lợn. Do đó, lợn nhiễm vi-rút này thường bị giảm hoặc mất khả năng đề kháng.

Sự “càn quét” của loại bệnh này giống như một “cơn bão ”. Đến nay, tốc độ lây lan của nó nhanh nhất so với các bệnh truyền nhiễm trên động vật tính, kể cả so với dịch lở mồm long móng. Vì vậy, nếu phát hiện lợn bị bệnh với số lượng ít, cách tốt nhất là tiêu hủy để tránh lây lan.

- Đối với một con lợn mắc bệnh, biểu hiện lâm sàng cụ thể ra sao?

- Khi mắc bệnh, lợn sẽ sốt cao hơn 40 độ C, khó thở, có những vết bầm, thâm tím trên da, một số trường hợp tai tím xanh lại. Có lẽ vì triệu chứng như vậy nên mọi người mới gọi là bệnh lợn tai xanh. Lợn ở các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng thường là lợn nái và lợn con.

Bản thân bệnh tai xanh không lây sang người?

- Xin ông cho biết, tỉ lệ tử vong đối với đàn lợn nhiễm bệnh tai xanh?

- Như tôi đã nói, Hội chứng PRRS ở lợn là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút Lelystad gây ra. Thông qua nghiên cứu đã xác định được hai phân típ chính của vi-rút. Típ 1, là các vi-rút châu Âu và típ 2 gồm các vi-rút Bắc Mỹ. Thông thường, các típ vi-rút này gây ra tỷ lệ chết không cao, chỉ từ 3% đến 5%, chủ yếu ở con non, yếu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2006 đến nay, tại Trung Quốc đã phát hiện nhiều trường hợp lợn ốm, chết. Ban đầu, nguyên nhân gây bệnh không xác định rõ, vì trong các ổ dịch thường phát hiện cả vi-rút gây hội chứng PRRS cùng các loại tác nhân gây bệnh khác. Qua nghiên cứu, các chuyên gia thú y nước bạn đã xác định, vi-rút gây bệnh tai xanh có khả năng do vi-rút gây PRRS típ 2, thể cường độc. Thể vi-rút này gây bệnh và làm chết cả lợn trưởng thành, tỷ lệ chết lên đến 20%. Gia súc chết thường do nhiễm trùng kế phát.

- Gần đây ở nước ta có nhiều người bị mắc bệnh liên cầu khuẩn ở lợn. Vậy bệnh này có liên hệ thế nào với bệnh tai xanh?

Dịch bệnh tai xanh vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngày 3-8, dịch bệnh tai xanh tiếp tục xuất hiện tại hai xã Tam Phước, huyện Phú Ninh và xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn (Quang Nam), làm 89 con lợn mắc bệnh. Trước đó một ngày, tại xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh (Tây Ninh) cũng có hiện tượng lợn chết, nghi mắc bệnh tai xanh. Chi cục Thú y tỉnh đã lấy 5 mẫu máu gửi Cơ quan Thú y Vùng V1 để xét nghiệm. Nhiều khả năng Tây Ninh sẽ là tỉnh thứ 6 trong nước có dịch tai xanh.

- Có thể nói một cách vắn tắt nhất, trong chuồng trại, môi trường luôn “thường trực” các vi khuẩn gây bệnh. Khi vi-rút tai xanh xâm nhập vào cơ thể lợn, phá vỡ hệ miễn dịch sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn này giết chết vật nuôi. Lợn mắc bệnh tai xanh thường bị bội nhiễm bởi các loại bệnh khác như dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn… và do một số vi khuẩn gây ra, trong đó có liên cầu khuẩn Streptococcus suis.

- Như vậy, bản thân bệnh tai xanh không thể lây sang người?

- Đúng thế! Chỉ xin lưu ý, trong loại liên cầu khuẩn Streptococcus suis thì típ 2 có khả năng lây bệnh sang người. Tuy nhiên, trong thời gian qua, số bệnh nhân ở Việt Nam bị mắc bệnh liên cầu khuẩn ở lợn (có ba trường hợp đã bị tử vong - P.V), chưa có cơ sở khẳng định nhiễm bệnh do ăn phải thịt lợn tai xanh. Ngay bản thân bệnh liên cầu khuẩn, trong điều kiện bình thường không thể lây sang người, chỉ khi nào kết hợp với vi khuẩn thứ phát Streptococcus suis típ 2 thì mới có thể lây. Vì thế, người dân cũng không nên hoang mang nghĩ rằng, cứ bị bệnh tai xanh là lây sang người. Trong thời gian tới, Cục Thú y sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.

- Chỉ một số địa phương có lợn mắc bệnh, nhưng người tiêu dùng cả nước vẫn chưa yên tâm khi ăn thịt lợn. Lời khuyến cáo của ông là gì?

- Vừa qua, một số trường hợp bị mắc bệnh liên cầu khuẩn ở lợn, phần lớn là có liên quan đến việc giết mổ, ăn uống không hợp vệ sinh. Vì vậy, người tiêu dùng nên lưu ý: liên cầu khuẩn, típ 2, không chỉ riêng có ở lợn mà còn ở nhiều loại động vật như bò, dê, cừu… Do đó, nên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thịt phải nấu chín, không ăn tiết canh, gia súc ốm chết. Người chăn nuôi, giết mổ phải thực hiện đúng các biện pháp bảo hộ lao động.

Áp lực công việc đối với chúng tôi quá lớn!

- Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu diệt vi-rút gây bệnh tai xanh, vậy hướng giải quyết thế nào để giảm mức độ thiệt hại trên đàn lợn?

- Do bệnh có tốc độ lây lan nhanh nên công tác phòng, chống trước hết phải chú ý đến khâu phát hiện bệnh. Khi phát hiện triệu chứng, người dân cần bình tĩnh, không bán chạy, mổ thịt. Đối với địa bàn số lượng lợn ít, mắc bệnh nặng thì phải kiên quyết tiêu hủy. Trường hợp bệnh đã lan rộng ra, phải lập các trạm kiểm dịch xung quanh địa bàn có lợn bị bệnh, bao vây chặt, không cho vận chuyển lợn ra khỏi khu vực. Đồng thời, thực hiện biện pháp tiêu độc, khử trùng theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.

Trường hợp bệnh nhẹ, số lượng nhiều, có thể áp dụng các biện pháp điều trị vi khuẩn kế phát và tiêm thêm một số loại thuốc trợ lực cho lợn để giảm thiệt hại. Phải làm kháng sinh đồ để xác định loại kháng sinh phù hợp với từng vùng, tránh hiện tượng “nhờn” thuốc.

- Thưa ông, hiện nay dịch bệnh đang lan tràn tại miền Trung và một số địa phương phía Nam, tại sao không sử dụng vắc-xin phòng dịch như đối với cúm gia cầm hoặc bệnh lở mồm long móng?

- Do “bão tai xanh” vẫn đang hoành hành tại một số tỉnh miền Trung, nên Cục Thú y chưa có chủ trương dùng vắc-xin mà tập trung công tác chống dịch. Loại bệnh này chỉ dùng vắc-xin tiêm phòng tại những địa phương chưa có dịch.

Hiện nay, có 3 loại vắc-xin phòng bệnh tai xanh đang lưu hành tại Việt Nam. Nhưng theo các tài liệu và chuyên gia nước ngoài, vắc- xin này hiệu quả không cao như đối với vắc-xin phòng dịch tả hay bệnh lở mồm, long móng. Do kinh nghiệm sử dụng vắc-xin ở ta chưa nhiều, cộng với giá thành cao, chúng tôi chỉ khuyến cáo, đối với các trại giống, nên tiêm vắc-xin cho lợn nái, lợn giống để đề phòng bệnh. Còn sử dụng loại nào, phải theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Ông nghĩ sao khi mấy năm nay ngành thú y cứ “hết chống dịch nọ,đến phòng bệnh kia”? Có khi nào ông cảm thấy quá tải?

- Cảm ơn nhà báo đã cảm thông! Trong mấy năm gần đây, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên gia súc, gia cầm, công việc triền miên, trong khi quân số của ngành Thú y vẫn như cũ. Đúng là, chúng tôi đã quá mệt mỏi với việc phòng, chống dịch bệnh. Ở Cục Thú y anh em hầu như không có ngày nghỉ. Thứ bảy, chủ nhật, lễ Tết cũng thay nhau làm việc, từ sáng sớm đến tối mịt mới về.

Dịch bệnh ở gia súc, gia cầm càng nhiều, áp lực công việc đối với chúng tôi càng lớn. Ngành Thú y sẽ cố gắng hết sức, chỉ mong các ban ngành, chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc, cùng chúng tôi khống chế, dập tắt và thanh toán được dịch bệnh, tránh để dây dưa kéo dài. Nói gì thì nói, mỗi khi dịch bệnh xảy ra, bao giờ dư luận cũng “quy trách nhiệm” trước hết cho ngành Thú y.

- Xin cảm ơn ông!

LÊ THIẾT HÙNG (thực hiện)