QĐND Online - Sáng 7-5, Phân viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên – Huế đã tổ chức Hội thảo “Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế”.
 |
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo “Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế”. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phản biện thẳng thắn và tâm huyết thông qua 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, văn hóa, lịch sử, Phật giáo… Các tham luận tập trung vào các nội dung: nét đặc trưng, tính đa dạng trong hệ cảnh quan, kiến trúc, trang trí, thiết kế của những ngôi chùa ở Huế; những giá trị đặc hữu trong nghệ thuật tạo hình diễn xướng mang hơi thở của Phật giáo xứ đàng trong nói chung và Huế nói riêng; tính phong phú của chùa Huế như tổ đình, quốc tự, tịnh xá, thiền viện, niệm phật đường, chùa làng, chùa tư…; sự đa diện trong sinh hoạt văn hóa thông qua lễ hội, sinh hoạt của tăng chúng, phật tử và đông đảo người dân; các tuor du lịch thiện nguyện mang màu sắc tôn giáo.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Nguyễn Đắc Xuân thì việc phát triển du lịch sinh thái – du lịch tâm linh là một nhu cầu đang nóng hiện nay bởi con người sống trong đời có 2 điều quan trọng là hạnh phúc và khổ đau. Mỗi con người đều có thế giới riêng: tâm và linh - đây là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hiện nay. Hiện nay, các nước Âu, Mỹ thường có xu hướng du lịch về phương Đông, trong đó có Việt Nam và Huế nói riêng (bởi Huế có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái – tâm linh rất lớn).
Huế là nơi chứa đựng và lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc trong di sản văn hóa dân tộc; không gian tâm linh của những ngôi chùa, di tích lịch sử các triều vua (đặc biệt là nhà Nguyễn với gần 4 thế kỷ). Không những thế, Huế còn là nơi hội tụ nhiều mối nhân duyên trong lịch sử: bảo tồn một số nét văn hóa Chămpa, nét thịnh hưng của Phật giáo Huế - trung tâm Phật giáo của cả nước có khả năng tạo nên những lực hút đối với ngành du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh... Hầu hết các điểm, tuor du lịch ở Huế đều gắn với một địa chỉ văn hóa tâm linh như đền đài, lăng tẩm, chùa miếu…
Hội thảo nhằm cùng nhau đưa ra tiếng nói chung của những người làm văn hóa, du lịch đối với văn hóa Phật giáo; đóng góp thêm những địa chỉ cho các tuor du lịch; giúp du khách trong và ngoài nước hiểu rõ, đủ hơn nữa về đặc trưng văn hóa Huế, nơi từng là thủ phủ vùng miền, là thủ đô của một nhà nước và lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa mang tầm vóc quốc gia và quốc tế.
Tin, ảnh: Trần Đình Thăng