Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tâm, Đặng Hay quần xắn móng lợn, người sũng nước, chưa vào đến nhà đã vội vàng “Nguy ngập quá các anh ơi, làng Phước Giang bị lũ cô lập rồi, không có biện pháp cấp bách thì…”, bỏ lửng câu nói, khuôn mặt anh bời bời nỗi lo.

Trao chén nước nóng cho anh Hay, Đồn trưởng đồn 356 Phan Huy Dực điềm tĩnh: “Có chuyện gì anh từ từ nói, lực lượng, phương tiện chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ”. Sau mấy phút trao đổi, biết được toàn bộ dân làng Phước Giang, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa bị lũ chia cắt, hiện không có bất cứ loại phương tiện nào có thể đến được “ốc đảo” ấy để di dời dân. Đồn trưởng Dực quay điện thoại báo cáo tình hình với Bộ chỉ huy, đồng thời ra lệnh cho đội cứu hộ xuất phát. Đại úy Trịnh Đình Bá, phó đồn trưởng quân sự được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy tàu BP-100606 cùng 12 cán bộ, chiến sĩ ngược dòng Đà Nông đi cứu dân. Dòng Đà Nông ngày thường nước xanh ngăn ngắt, giờ bỗng cuồn cuộn chảy, chiếc tàu 90 mã lực đã tăng hết ga mà cứ nhích dần, nhích dần từng mét một, thời gian căng như dây đàn. Những lùm cây ven bờ trắng cánh cò, nghe tiếng máy nổ từng đàn cò táo tác bay lên, rồi vội sà xuống. Từ cửa Đà Nông vào đến địa phận làng Phước Giang chừng 3km thế mà đến gần 13 giờ những chiến sĩ cứu hộ mới tiếp cận được với dân. Đại úy Trịnh Đình Bá kể: “Thực ra không mất nhiều thời gian đến như vậy, nhưng do quá trình điều khiển phương tiện, chúng tôi phải mò mẫm từng đoạn một. Đây là cánh đồng nuôi tôm lớn vào bậc nhất của tỉnh Phú Yên, bà con xây đập, làm cống kiên cố, hồ đập san sát, không cẩn thận là tàu bị mắc cạn. Vào đến đầu làng, tàu phải dừng lại, chúng tôi phải huy động thuyền máy nhỏ để tăng bo mới vào được làng. Có một chuyện làm chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, tuy trời mưa to nước lớn bao bọc như vậy, làng chỉ còn là “ốc đảo” nổi giữa biển nước mênh mông, nhưng hôm ấy, dường như tất cả các gia đình trong làng đều có đám. Trong những ngôi nhà đã ngập nước, trên bàn thờ vẫn còn nghi ngút khói hương. Cụ Võ Văn Giằng-một vị cao niên trong làng cho hay: “Hôm nay, cả làng chúng tôi có đám giỗ chung, cách đây đúng 80 năm, cũng vào ngày 4-11 (tức ngày 25-9 âm lịch), ngày ấy cửa Đà Nông chưa được chỉnh trị, trời mưa lớn nước trên nguồn đổ về tạo ra một trận lũ lớn, trận lũ ấy dường như “xóa sổ” toàn bộ làng Phước Giang, có đến 80% số dân bị lũ cuốn trôi mất tích”. Nghe cụ kể như vậy, chúng tôi lấy đó làm bài học để vận động nhân dân di dời về nơi an toàn. Trước đó, nghe chúng tôi đặt vấn đề di dời nhân dân ra khỏi làng, nhiều người không muốn đi. Sau một thời gian khá dài làm công tác thuyết phục, dân làng mới đồng ý cho di dời toàn bộ người già và em nhỏ, chỉ để lại những thanh niên trai tráng trụ bám lại trên những ngôi nhà kiên cố. Phải mất 10 chuyến tăng bo anh em trong đội cứu hộ mới đưa được gần 300 người lên tàu”. Trung tá Phạm Huy Dực, kể tiếp: “Trong lúc tàu BP-100606 xuất phát đi Phước Giang, thì chúng tôi lại nhận được tin thôn Phú Hiệp cũng bị ngập, 60 hộ dân đã bị cô lập hoàn toàn. Không còn cách nào khác chúng tôi vận động nhân dân cho mượn thuyền, rồi đưa lên ô tô cơ động đến Phú Hiệp, thuyền nhỏ, anh em phải ngâm mình dưới nước kéo thuyền nhích từng thước một. Cứ như vậy chúng tôi cũng chuyển được 170 người dân làng Phước Hiệp đến nơi an toàn. Và khi cả hai đội hoàn thành nhiệm vụ, thì lúc đó đã là 18 giờ. Cả ngày dầm mình trong mưa, trong nước, anh em mệt nhoài, nhưng rất vui vì đã kịp thời di dời được gần 500 người trong vùng bị lũ uy hiếp về nơi an toàn…”.

Còn nhiều, rất nhiều những tấm gương của các LLVT như cán bộ, chiến sĩ Đồn BP 356 đã làm trong trận lũ lịch sử vừa qua ở tỉnh Phú Yên, nhưng chúng tôi không thể phản ảnh hết được. Chỉ biết rằng mỗi việc làm, mỗi hành động của các anh nơi cửa sông, hay đầu nguồn đang sáng lên tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”.

ĐẶNG TRUNG