QĐND - Sáng 15-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 4, nghe và cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự án Luật Giá. Buổi chiều, UBTVQH bàn thảo và cho ý kiến về Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu. Theo báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) vẫn còn một số vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau như: Tiền lương và mức lương tối thiểu, hợp đồng lao động, thời giờ làm thêm, thỏa ước lao động tập thể, tuổi nghỉ hưu, thời gian nghỉ thai sản… Trong đó, vấn đề thời giờ làm thêm nhận được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, về thời giờ làm thêm trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, giữ nguyên như quy định của Bộ luật hiện hành: Làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Loại ý kiến thứ hai lại đồng ý như dự thảo Bộ luật: Tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng.

Đại đa số các đại biểu tán thành với quan điểm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đó là ủng hộ loại ý kiến thứ nhất. Các đại biểu cho rằng, vì quy định này phù hợp với điều kiện và thể chất của người lao động Việt Nam hiện nay, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho nhiều người lao động. Việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động được nâng lên thì giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc giảm xuống sẽ bảo đảm sức khỏe và đời sống của người lao động. 

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thì cho rằng, nên tiếp thu theo hướng xuất phát từ nhu cầu người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, phương án 1 giữ như hiện hành, phương án 2 là nâng tối đa từ 200 giờ lên 360 giờ/năm nhưng kèm theo các quy định chặt chẽ. Đó là, chỉ áp dụng với một số lĩnh vực đặc biệt, có giới hạn cho phép làm thêm giờ trong một số ngành, nghề cụ thể, theo độ tuổi nhất định và phải quy định tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức hiện hành, có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày và làm thêm ban đêm và ngày nghỉ. Điều này, một mặt phù hợp với sức khỏe, bảo đảm thu nhập của người lao động, mặt khác người sử dụng lao động phải cân nhắc giữa chi phí tài chính và hiệu quả của việc sử dụng người lao động làm thêm giờ. Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật về thời giờ làm thêm.

Kết luận về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với quan điểm của các đại biểu, giữ quy định chung về tuổi nghỉ hưu như hiện hành (nam là 60, nữ là 55); đồng ý tăng thời gian nghỉ sản của lao động nữ lên 6 tháng; mức trần thời gian của hợp đồng lao động xác định thời hạn là từ 12 đến 36 tháng…

VŨ DUNG