Quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, thảo luận. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc cũng như bản sắc văn hóa trong kiến trúc của từng dân tộc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú. Do đó, tiếp thu ý kiến các đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc theo hướng: Bổ sung một điều riêng về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật; phong tục tập quán sinh hoạt của địa phương; phương pháp kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng. Đồng thời, quy định các địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với từng vùng, miền, địa phương do mình quản lý. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc vào các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật như nguyên tắc hoạt động kiến trúc, yêu cầu quản lý kiến trúc…

Sau đó, qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với quy điểm trên; thống nhất cho rằng, luật cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam, hạn chế kiến trúc ngoại lai gây phản cảm, phá vỡ cảnh quan môi trường, kiến trúc văn hóa... Tuy vậy cũng cần làm rõ hơn nội hàm, nhất là về phong cách, đặc điểm, văn hóa của các dân tộc Việt Nam; quy định trong dự Luật cần cố gắng mang tính định hướng nhằm cổ vũ và hướng dẫn để có thể giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội.

Nhấn mạnh 54 dân tộc anh em với phong cách, sinh hoạt, tập quán rất khác nhau, song Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cộng đồng dân tộc Việt Nam lại thống nhất ở bản sắc văn hóa mang hồn Việt. Về mặt kiến trúc, đã là công trình thì đó không chỉ riêng là kết cấu hạ tầng mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, mang sức sáng tạo, trí tuệ của từng tác giả. Do đó, việc bổ sung quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc vào trong dự thảo luật là rất cần thiết. “Việc tôn tạo, xây dựng không phải là nhặt nhạnh chỗ này, chỗ kia một tí, mà phải giữ gìn được “hồn Việt” trong đó. Sau này, ở từng địa phương với mỗi bản sắc từng dân tộc riêng thì phải có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ dẫn, giáo dục đồng bào giữ được nét văn hóa của mình”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, dẫn chứng một cây cầu đẹp bắc qua sông cũng là một tác phẩm nghệ thuật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với việc Luật phải mô tả được cụ thể nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. “Dân tộc Thái, dân tộc ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... là gì trong luật này. Không phải trong luật quy định kiến trúc ở thành phố nào cũng giống nhau, mà Luật này sẽ phải quản lý được kiến trúc, làm cho kiến trúc Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, và bản sắc dân tộc hòa trong hiện đại”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

THẢO NGUYÊN