Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tán thành với sự cần thiết trong nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hai luật: Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước để thực thi cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và bảo đảm mục tiêu tham gia hiệu quả Hiệp định CPTPP và thi hành các cam kết phải thực thi ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam. Đồng thời, cũng để bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ với nội dung cam kết theo Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12 -11-2018; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quốc hội.

Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung vào một số vấn đề như: Bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm- đây là những từ ngữ mới phát sinh sau khi bổ sung nội dung phụ trợ bảo hiểm theo Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, để bảo đảm sự tương đồng về quyền của chủ thể tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Cùng với đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ tập trung về sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát biên giới.

Bày tỏ quan điểm thẩm tra về 2 dự án Luật này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng cho hay, một số ý kiến cho rằng các chính sách trong dự án Luật là những chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Do đó, đề nghị trong quá trình hoàn thiện dự án Luật từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua, cơ quan soạn thảo cần có những hình thức phù hợp để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp-  những đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật. 

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để bảo đảm thực hiện kịp thời các cam kết trong Hiệp định CPTPP khi Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu bày tỏ đồng tình về việc bổ sung các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phát sinh (khoản 3 Điều 4 của Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm). Theo đó, các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phát sinh trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm do Chính phủ quy định. Trước khi ban hành, nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ban soạn thảo cần rà soát xem những dịch vụ này đã đầy đủ hay chưa? Trong thực tế còn sót dịch vụ phát sinh nào nữa không? Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải quy định nội dung về điều kiện đối với các cá nhân cung cấp dịch vụ bảo hiểm để tránh các trường hợp lừa đảo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, những vấn đề gì có thể quy định cụ thể, bảo đảm tính minh bạch, công khai, chặt chẽ ngay tại luật thì mới đưa vào luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ và tiếp thu tối đa ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện dự thảo luật chuẩn bị trình Quốc hội xem xét. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban thẩm tra rà soát lại tất cả các quy định sửa đổi của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ bảo đảm phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế mà chúng ta đã ký kết.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là một dự án luật chuyên ngành, khó, liên quan đến nhiều chủ thể, đối tượng nên đề nghị từ nay cho đến khi Quốc hội thông qua thì cần có các hình thức thích hợp để lấy thêm ý kiến rộng rãi nhằm bảo đảm tính khả thi của dự án Luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng luật, Ban soạn thảo chỉ sửa đổi, bổ sung những nghĩa vụ đã cam kết, giới hạn trong việc nội luật hóa các nội dung liên quan đến các nghĩa vụ cam kết trong Hiệp định CPTPP; còn những nội dung khác thì tới đây Quốc hội sẽ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, đưa vào sửa đổi sau.   

Nhấn mạnh thời gian chỉnh sửa là rất gấp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cho trình dự án Luật vào đầu kỳ họp thứ 7, thông qua vào cuối kỳ họp để các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.

PHƯƠNG HẰNG