Hướng tới thủ đô hiện đại với cách tiếp cận khác nhau
- Bộ Xây dựng đã ra đầu bài cho các nhà thầu tư vấn lập quy hoạch Hà Nội mở rộng như thế nào?
Câu hỏi mà Hội đồng đặt ra cho các nhà thầu tư vấn là làm sao Hà Nội phải hiện đại, nhưng giàu bản sắc và phát triển bền vững.

|
Ảnh: photobucket.com |
Trước hết, tư vấn nào cũng hướng tới xây dựng Hà Nộiđạt yêu cầu quy mô dân số của thành phố từ 10-12 triệu dân. Thứ hai là kết nối được đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh, hay nói cách khác là đô thị con nằm trong sự phát triển của đô thị mẹ. Sự gắn kết đó phải là gắn kết hữu cơ, và có hệ thống giao thông hiện đại để kết nối, đảm bảo quá trình phát triển bền vững về mặt tổ chức không gian, cảnh quan, giao thông, đặc biệt là hệ thống cây xanh, mặt nước, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Tại sao trong 12 nhà thầu, Bộ Xây dựng lại chọn 3 nhà thầu này? Ý tưởng họ đưa ra có điểm gì khiến chúng ta ấn tượng?
Từ 12 nhà tư vấn, chúng tôi chọn được 7 nhà tư vấn sau 3 cuộc họp. Đến cuộc họp thứ 6, chúng tôi tiếp tục chọn ra 3 nhà tư vấn là công ty Arata Isozaki của Nhật Bản kết hợp với Metropolitan của Hà Lan, Công ty Posco E&C của Hàn Quốc liên doanh với công ty Jina Architect, Perkins Eeastman của Mỹ và công ty RTKL của Mỹ.
Rất khó để chọn được 1 nhà tư vấn từ 3 nhà tư vấn này vì họ đưa ra 3 ý tưởng khác nhau cho một thủ đô hiện đại, đáp ứng yêu cầu 10-12 triệu dân. Điều khó nhất là phải xác định được sẽ đi theo hướng nào, cách tiếp cận, tính độc đáo và ý tưởng như thế nào?
Công ty Arata Isozaki của Nhật kết hợp với Metropolitan của Hà Lan đưa ra ý tưởng quy hoạch Hà Nội trở thành Thủ đô trong lòng thành phố siêu lập thể, một thành phố lớn đa cực phát triển bền vững dựa trên lý luận Hà Nội hiện là một trong những TP phát triển nhanh và độc đáo nhất thế giới. Nền kinh tế phát triển nhanh chóng đã làm mất cân bằng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Họ đưa ra phân tích lấy ví dụ thành phố Washington DC là thành phố bàn cờ, hay Bắc Kinh... theo kiểu hướng tâm.
Theo họ, mô hình TP đa cực sẽ làm choHà Nộiphát triển một cách cân bằng, không gây tác động xấu đến môi trường và các khu vực phát triển mở rộng xung quanh. Bằng cách tạo ra nhiều đô thị phụ trợ, đô thị vệ tinh sẽ làm giảm gia tăng lượng dân số, áp lực giao thông, ô nhiễm tại các khu trung tâm.
Họ đưa ra hệ thống kết nối Internet, kết nối thông tin cao, một dạng quy hoạch thành phố thông minh. Sự kết nối này giúp cho từ thành phố này sang thành phố kia gần như là một, tạo sự thống nhất trong tất cả hành động.
Công ty Posco E&C của Hàn Quốc liên doanh với công ty Jina Architect, Perkins Eeastman của Mỹ lại nêu cao triết lý: một TP tạo nên cho người dân cảm giác mình thuộc về TP đó, TP đó là cả một chuỗi các trải nghiệm.
Họ nhấn mạnhhành lang xanh là lớn nhất, có thể 60% dành cho phát triển hệ thống cây xanh, mặt nước. Tổ chức cây xanh, mặt nước với dòng sông Hồng, sông Đáy, sông Tích như thế nào? Công viên, rừng, nông nghiệp kỹ thuật cao, kết hợp với rau quả, hoa... tổ chức như thế nào trong cả dải đô thị. Ý tưởng của họ là tìm cách sử dụng hiệu quả nhất đất nông nghiệp.
Quan điểm của nhà thầu này là Hà Nội nên có tập trung mật độ cao, vừa để mang đến tiềm năng tăng trưởng, hạ thấp chi phí cho cơ sở hạ tầng. Đất xây dựng đô thị 40% nằm xen kẽ trong hành lang xanh và được phân bố tương đối đều.
Công ty RTKL của Mỹ lại có bước đi khác. Họ nhấn mạnh khai thác dòng sông và mặt nước. Sông Hồng là một hành lang cây xanh mặt nước đem lại không gian mở phục vụ du lịch và nghỉ dưỡng cho TP. TP có định hướng tập trung ưu tiên cao cho người đi bộ. Các trung tâm hỗ trợ sẽ có hướng phát triển thành các điểm trung chuyển quy mô vừa và nhỏ, là yếu tố kết nối trong chuỗi đô thị của Vùng Thủ đô.
Chọn tư vấn, tiêu chí nào?
- Ngoài những ý tưởng và cách thức tiếp cận như trên, làm thế nào để thẩm định được chính xác năng lực thực tế của 3 nhà thầu này?
Quan điểm của Chính phủ là phải mời được những tư vấn hàng đầu thế giới. Những nhà tư vấn được chọn để trình Chính phủ đều phải trải qua quá trình xem xét, nghiên cứu, chấm điểm nghiêm túc và khó khăn của Hội đồng tuyển chọn.
Hội đồng này không chỉ bao gồm các chuyên gia quy hoạch, quản lý đô thị của Bộ Xây dựng, mà có cả đại diện của 3 hội nghề nghiệp là Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Các tiêu chí để lựa chọn bao gồm:
Thứ nhất, họ phải có năng lực thiết kế. Năng lực ấy căn cứ vào tuổi đời của công ty tư vấn. Có công ty có tuổi đời cả trăm năm, có công ty vài ba chục năm, có công ty chỉ có mươi năm... Họ sẽ phải chứng minh được họ đã làm bao nhiêu công trình tầm cỡ trên thế giới và đặc biệt là các công trình thủ đô của các nước. Có công ty họ cũng từng thiết kế Washington D.C mở rộng, Paris, Tokyo hay Seoul...
Thứ hai, phải xem họ đã thực hiện bao nhiêu đồ án qui hoạch chung cho các đô thị, qui hoạch chi tiết và đặc biệt là vấn đề tổ chức không gian mà họ tham gia ở các đô thị quốc tế. Chúng tôi xem xét đến chức danh của người làm chủ dự án. Ông ấy là ai? Tên là gì? Thí dụ Agasa Izosaki là thế hệ thứ hai sau Kenzota của Nhật Bản, ông ấy là một trong những kiến trúc sư hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực qui hoạch đô thị.
Thậm chí, Hội đồng phải chấm đến cả những người tham gia vào dự án ấy là ai? Ai phụ trách mảng giao thông, kinh tế, nước, môi trường, tài chính...?
Ngoài ra, có riêng một tổ tư vấn điều tra xem các nhà thầu có thứ hạng ra sao trên thế giới, kinh nghiệm và tài chính như thế nào để Hội đồng thẩm định.
Điều quan trọng là chấm ý tưởng, trên cơ sở bản vẽ, đơn vị đấu thầu sẽ trình bày ý tưởng và Hội đồng dựa trên đó để đánh giá xem ý tưởng ấy thuộc loại nào, trường phái nào, có gần gũi và phù hợp với mình hay không?
Mở rộng về hướng Tây, lấy sông Hồng làm trục
- Hà Nội mới sẽ ưu tiên kiến trúc thấp tầng hay nhiều cao ốc?
Vấn đề không phải là cao tầng hay thấp tầng mà là hiện đại. Thành phố được đánh giá dựa trên chất lượng cuộc sống, môi trường đi lại thuận tiện, sạch sẽ, xanh, giá cả hợp lý...
Chuyện có nhà cao tầng với đô thị đông dân là quan trọng, bởi nó tiết kiệm đất lớn. Đó là yêu cầu và chủ trương của mọi quốc gia, kể cả nước rộng như Mỹ, Nga. Xây dựng nhà cao tầng cũng thể hiện sự hoành tráng và khoa học. Hơn nữa không gian tấp nập của các khu tài chính, chứng khoán, ngân hàng mà có những khu cao tầng như của New York là ví dụ khiến người ta cảm nhận được độ hiện đại và tráng lệ của một đô thị. Nhà ở cũng cần cao tầng để tiết kiệm đất. Dù yếu tố không gian, địa lý, kỹ thuật sẽ tính toán, còn có cao tầng là đương nhiên đối với một đô thị hiện đại còn mức độ như thế nào cần phải tính toán.
- Tất cả đều mong muốn một Thủ đô hiện đại, chất lượng đô thị cao. Nhưng có không ít chuyên gia trong và ngòai nước khuyến cáo đừng biến Hà Nội thành bất kỳ thành phố nào, New York, hay Bắc Kinh, Thượng Hải, Bangkok vì Hà Nội có những nét rất riêng, rất đẹp. Vậy bản sắc Hà Nội sẽ được giữ gìn như thế nào trong quy hoạch mới này?
Hà Nội được các chuyên gia về quy hoạch đô thị thế giới đánh giá là một đô thị đẹp, ấn tượng, triển nhanh, nhưng có nhiều nét nổi trội và văn hóa riêng.

|
Không gian mặt nước, cây xanh... là một nét đặc trưng hấp dẫn của Hà Nội. |
Mặt nước, cây xanh là ưu việt của Hà Nội, có phố cổ, hội trường Ba Đình. Nói cách khác, trung tâm truyền thống của thủ đô Việt Nam có ý nghĩa về mặt đô thị học và rất hấp dẫn đối với người làm quy hoạch đô thị. Không phải thủ đô nào cũng có 36 phố phường như Hà Nội, dù qua nhiều thời kỳ phát triển, vẫn giữ được không gian đô thị có bản sắc, nhất là trung tâm chính trị Ba Đình, rất mở, rất xanh và giàu truyền thống Việt Nam.
Khi phát triển về phía Tây, chúng ta có rừng Ba Vì, có hệ thống núi ở phía Tây, có sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, làng nghề, chùa chiền, miếu mạo nổi tiếng. Đó là cảnh quan rất đặc biệt của Hà Nội khi mở rộng.
Việc mở rộng Hà Nội tạo điều kiện cho chúng ta xây dựng một không gian rất riêng để phát triển một Hà Nội mới, mở rộng theo hướng Tây nhưng hướng về sông Hồng
Các chuyên gia tư vấn rất thú vị khi đưa ra các ý tưởng của mình về Hà Nội. Hà Nội hiện nay vẫn có những nét rất truyền thống, nhưng khi phát triển, truyền thống và hiện đại kết hợp với nhau, tận dụng hết nguồn tài nguyên, tiết kiệm đất. Hà Nội mới phải là một đô thị phát triển bền vững trên cơ sở cây xanh, mặt nước, văn hóa và hệ thống giao thông hiện đại và kỹ thuật thông tin hiện đại.
Làm mất giá trị văn hóa không phải là làm quy hoạch!
- Hiện nay Hà Nội cũ, Hà Nội của 36 phố phường có thay đổi trong tổng thể của Hà Nội mở rộng hay không? Quy hoạch của Hà Nội mới có làm thay đổi hẳn quy hoạch hiện tại của Hà Nội cũ không, nhất là quy hoạch kiến trúc?
Đúng là người dân có cảm giác lo lắng khi đặt ra những câu hỏi đó. Trong quá trình quy hoạch Hà Nội mới, nguyên tắc đầu tiên là bảo tồn, phát huy những gì đang có ở mức cao hơn. Những quy hoạch nào chúng ta đang làm chưa tốt thì phải điều chỉnh, trên cơ sở đó có sự phát triển mới.
Nói như vậy để khẳng định mọi quy hoạch đều không được làm mất đi hình ảnh về Hà Nội hiện tại mà phải làm Hà Nội đẹp hơn. Ví dụ, 36 phố phường sẽ phải giữ gìn, không xây dựng xen cấy những nhà cao tầng. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống ở phố cổ phải tốt lên: giao thông, nước sạch...
Phố cũ cũng phải thiết kế đô thị để làm tốt hơn, phố đang xây dựng phải hoàn chỉnh và hoàn thiện ở mức độ cao hơn, đặc biệt giao thông phải thông thoáng và giải quyết thấu đáo sự liên hệ trong giao thông giữa cái cũ và cái mới.
- Trong Hà Nội mở rộng có Hà Tây là một không gian văn hóa rất đặc thù. Nhiều người lo ngại và tiếc nuối văn hóa xứ Đòai sẽ mất đi cùng với quá trình mở rộng Thủ đô. Quy hoạch mới có tính đến điều này?
Phải tính đến ngay từ đầu. Khi Quốc hội họp để thông qua đề án mở rộng Hà Nội, các ĐBQH đã đặt vấn đề: văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài trong quá trình phát triển có giữ được không hay sẽ bị trộn lẫn?

|
Văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài trong quá trình phát triển có giữ được không hay sẽ bị trộn lẫn? |
Xu hướng của thế giới là phát triển trong sự đa dạng hóa. Người làm quy hoach đô thị phải giữ gìn để phát huy chứ không phải làm mai một và mất đi các giá trị văn hóa ấy. Làm mất đi giá trị văn hóa không phải là làm quy hoạch. Quy hoạch là phát triển bền vững, trong đó có cả văn hóa.
Những giá trị văn hóa của Hà Tây, Mê Linh, 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình cần trân trọng, bảo tồn ở mức độ cao. Làm thế nào để giao thông đi lại, tổ chức cây xanh, tổ chức đô thị, tổ chức đời sống... thuận tiện nhất, tạo chất lượng cuộc sống tốt nhất nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa.
Cơ hội giải quyết tình trạng manh mún, lộn xộn
- Liệu quy hoạch cho Hà Nội mới có giải quyết được tình trạng manh mún, lộn xộn hiện nay trong quy hoạch của Hà Nội?
Cuộc đại quy hoạch cho Hà Nội mở rộng là cơ hội để chúng ta làm những việc trước đây chưa làm được. Những quy hoạch manh mún, những dự án nhỏ lẻ, chắp vá lần này, chúng ta có điều kiện giải quyết.
Trước kia, quy hoạch manh mún vì Hà Nội chỉ có 920km2 và làm gì cũng trong tà áo chật ấy, có thế nào làm thế ấy, không thể mở rộng ra.
Với Hà Nội mở rộng, những dự án gượng ép quá vì sự hạn chế kích thước cũ sẽ được nhân ra. Ví dụ ĐH Tây Nam, Hà Nội 350 ha trước ở khu vực đó, bây giờ Hà Nội mở rộng có thể chuyển ĐH ra một khu vực khác, rộng rãi hơn, tạo kết nối đô thị tốt hơn. Để ở vị trí cũ, nó sẽ tạo nên một cực phát triển, gây tắc nghẽn giao thông ngay trung tâm thành phố.
Đây là điều kiện để điều chỉnh lại tất cả các dự án mà chúng ta thấy cần thay đổi.