* Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Myanmar
Tại thành phố Yangon, sáng 26-8, Hãng hàng không Vietjet tổ chức Lễ công bố chính thức mở đường bay Hà Nội (Việt Nam) đi Yangon (Myanmar). Đây là kết quả từ sự nỗ lực của lãnh đạo Vietjet, nhằm mang đến những chuyến bay chất lượng tốt, giá rẻ, góp phần kết nối tình hữu nghị của hai dân tộc. Đặc biệt, buổi lễ được diễn ra tại Khách sạn Melia (192 Kaba Aye Pogoda, Yangon) - một “cơ ngơi kinh doanh đồ sộ” của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Đây cũng là địa điểm mà Lễ tân phía bạn đề nghị Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lưu nghỉ trong thời gian hoạt động ở Yangon vì chất lượng dịch vụ nơi đây thuộc nhóm tốt nhất của thành phố.
Đoàn đại biểu cấp cao nước ta lưu nghỉ tại một khách sạn kinh doanh hiệu quả, uy tín trên đất nước bạn với “ông chủ” là người Việt Nam nên câu chuyện kinh doanh, đầu tư nước ngoài trở thành chủ đề “nóng” được rất nhiều người quan tâm. Ghi nhận về điều đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, ví mỗi doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) như một sứ giả của tình hữu nghị. Câu chuyện này cũng được Tổng Bí thư nhiều lần nhắc lại trong hầu hết các buổi gặp gỡ, trò chuyện, hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo và người dân Myanmar: “Tôi đánh giá cao việc các DNVN đã đặt ra mục tiêu lớn. Đó không chỉ là bài toán kinh doanh - lợi nhuận, mà còn là câu chuyện về sự phát triển chung của hai nước”.
Đông đảo người Việt tại Myanmar chào đón Tổng Bí thư đến thăm Thành phố Yangon. Ảnh: Tấn Tuân.
Khi đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ hiến Vùng Yangon Phyo Thein cho biết, các nhà đầu tư và DNVN đã có mặt tại Yangon hàng chục năm trước và cùng đồng hành, góp phần để vùng đất cố đô luôn giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế hàng đầu của Myanmar, đồng thời cũng là “cầu nối” quan trọng trong hợp tác kinh tế-thương mại đầu tư giữa hai quốc gia. Với lý do đó, Ngài Thủ hiến bày tỏ mong muốn, Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để ngày càng có nhiều DNVN đầu tư, kinh doanh ở Myanmar nói chung, Yangon nói riêng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhất trí rất cao với đề xuất đó, đồng thời cũng chia sẻ trước những khó khăn của một đất nước mở cửa hội nhập kinh tế chưa lâu như Myanmar.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thành quả kinh doanh của các DNVN trước hết bắt đầu từ chính sự năng động của mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ, hành trình “tìm đến” và “trụ lại” của các nhà đầu tư và kinh doanh tại xứ sở Chùa Vàng luôn được đánh giá là khá gian truân. Xét về góc độ văn hóa truyền thống, người Myanmar vốn rất trọng chữ tín và sống khá “nguyên tắc”. Đây chính là nguyên nhân sâu xa tạo nên những khó khăn vô hình cho các doanh nghiệp nước ngoài đến Myanmar làm ăn.
Có câu chuyện rằng, một khi người dân Myanmar đã thích một sản phẩm (dịch vụ) nào đó ngay lần đầu sử dụng thì dù sản phẩm ấy có lỗi, họ cũng sẽ dễ dàng bỏ qua. Tuy nhiên, nếu lỗi xảy ra đến ngưỡng họ không chấp nhận thì không những họ sẽ từ bỏ sản phẩm (dịch vụ) đó mà còn "kêu gọi" bạn bè, người thân cùng tẩy chay. Vì vậy, muốn tìm được, giữ được đối tác và người tiêu dùng Myanmar, muốn tồn tại và phát triển ở đây, các DNVN không chỉ lấy được thiện cảm ngay trong lần đầu ra mắt sản phẩm (dịch vụ), mà còn phải giữ uy tín, kiên trì trong suốt quá trình dài giao dịch, làm ăn.
Ví như câu chuyện về đầu tư kinh doanh của Viettel. Ngay từ năm 2002, lần đầu tiên ban lãnh đạo Viettel có dịp sang Myanmar đã ấp ủ giấc mơ “tiến quân” vào đất nước còn khá biệt lập với thế giới (do ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây). Bắt đầu từ đó, kiên trì theo đuổi ý tưởng đầu tư và tìm nhiều cách kết nối, trải qua sự cạnh tranh khốc liệt, từng bước tháo gỡ rào cản, vướng mắc... cuối cùng, ngày 8-8-2016, Viettel chính thức ký kết hợp đồng liên doanh với 2 đối tác Myanmar. Tổng vốn đầu tư liên doanh là gần 2 tỷ USD, trong đó Viettel nắm giữ 49%. Ngày 14-1-2017, sau gần 15 năm kiên trì theo đuổi ý tưởng, Viettel mới nhận được giấy phép đầu tư chính thức từ Chính phủ Myanmar.
“Bước chân” vào một trong số ít thị trường tiềm năng nhất về kinh doanh dịch vụ viễn thông hiếm hoi còn lại của thế giới, với tên thương hiệu là Mytel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đang quyết liệt hiện thực hóa mục tiêu cung cấp dịch vụ kết nối đường truyền quốc tế có tốc độ kết nối tốt nhất (dung lượng tối thiểu 10Mbps), chất lượng ổn định nhất tại Myanmar so với những nhà cung cấp dịch vụ còn lại. Đặc biệt, tập đoàn sẽ phấn đấu thực hiện mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sớm triển khai gói cước roaming (giá như gọi nội địa) giữa 4 nước Myanmar, Việt Nam, Lào, Campuchia, nhằm góp phần phát triển kinh tế 4 nước và kết nối tình đoàn kết hữu nghị trong cộng đồng ASEAN. Do vậy, sự kiện khai trương cổng truyền dẫn kết nối quốc tế của Mytel diễn ra đúng dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Myanmar là minh chứng sinh động cho những thành công bước đầu trong lộ trình hiện thực những mục tiêu cao cả, chứ không đơn thuần là lợi nhuận về mặt kinh tế.
“Sự năng động của doanh nghiệp phải đứng trên bệ đỡ của truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp” - Tổng thống Htin Kyaw nhất trí cao với quan điểm đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời nhấn mạnh: Việt Nam và Myanmar có nhiều điểm tương đồng, gần gũi, có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời. Trong đó, điểm tương đồng của hai dân tộc trong đấu tranh gian khổ giành độc lập, những năm tháng bị bao vây cấm vận và nỗ lực vươn lên hội nhập giúp cho hai nước luôn chia sẻ và đồng cảm với nhau trong suốt hành trình xây dựng và hợp tác phát triển. Do đó, sự kết nối, hợp tác giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước phải bắt đầu trên nền tảng đó.
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Giang, Tùy viên quân sự tại Myanmar, người dân đất nước bạn luôn biết cách trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống, nhưng họ cũng hết sức mạnh dạn, quyết đoán thực hiện tư duy đột phá trong đổi mới. Việc ủng hộ quyết định “dời đô” từ Yangon chật hẹp, đông đúc để xây dựng lại một thủ đô mới ở Naypyidaw - vùng đất chỉ hơn 950.000 dân (vào năm 2005) để có tầm nhìn chiến lược lâu dài, trở thành một trong mười thành phố phát triển nhanh nhất trên thế giới (năm 2011) là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ của các nhà lãnh đạo, chính quyền và người dân Myanmar. Thế nhưng, cũng rất dễ nhận thấy: Ở Cố đô Yangon hàng ngàn năm tuổi vẫn hiện hữu sự năng động, mới mẻ của nhịp điệu phát triển mau lẹ với những cao ốc chọc trời, những dịch vụ hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, tại Thủ đô Naypyidaw trẻ trung, hiện đại vẫn không thiếu những đối tác chiến lược truyền thống, lưu giữ những nét đẹp kiến trúc, văn hóa ngàn đời ngay trong chính mỗi công trình vừa được xây dựng và thể hiện ở dáng vóc của những công dân thủ đô mới.
Một điểm chung cần được nhắc đến ở hai thành phố này chính là sự hiện diện, đóng góp không nhỏ của các DNVN vào sự phát triển của mỗi địa phương và đất nước Myanmar. Hay chí ít, nói như Chủ tịch Quốc hội Myanmar Mahn Win Khaing Thann, thì bản thân ông và các nhà lãnh đạo Myanmar đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về công tác quản lý, điều hành, nhất là cách làm du lịch ở Việt Nam để vận dụng vào thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước mình.
Với tình cảm dành cho Việt Nam, bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar, phấn khởi nhận định: Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Htin Kyaw nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác toàn diện” Việt Nam-Myanmar là dấu mốc mới, động lực mới cho quan hệ hữu nghị hai nước; đồng thời tạo ra cơ hội vàng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai bên cùng làm ăn thuận lợi, hiệu quả ở mỗi nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhất trí nhận định đó, đồng thời không quên nhắc nhở các nhà đầu tư và DNVN phải luôn giữ gìn chữ tín; căn dặn mỗi cán bộ, nhân viên Việt Nam khi làm việc, kinh doanh tại nước bạn phải thực sự là những cầu nối hữu nghị, góp phần vun đắp quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, xây dựng hình ảnh người Việt Nam thân thiện, tốt đẹp trong lòng nhân dân Myanmar.
NGUYỄN TẤN TUÂN