QĐND - Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và đạt hiệu quả cao là thực tiễn sinh động để Đảng ta nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng của vấn đề lợi ích quốc gia-dân tộc.

Ảnh minh họa. Nguồn: http://baohatinh.vn

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, vấn đề lợi ích quốc gia-dân tộc được đặc biệt chú trọng trong giải quyết mối quan hệ giữa các lợi ích. Trong mục I “Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và nhìn lại 30 đổi mới (1986-2016)”, bài học thứ tư nêu rõ: “Phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, qua 30 năm đổi mới, vấn đề lợi ích dân tộc-quốc gia được Đảng ta nhận thức đầy đủ với tư duy mới và đặt đúng vị trí, tầm quan trọng của nó. Điều đó được thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, lần đầu tiên trong tổng kết quá trình lãnh đạo nói chung, tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định “phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết” là một trong những bài học quan trọng, ngang hàng với các bài học về “kiên định”; “dân là gốc”; “tôn trọng khách quan”; “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” được trình bày trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm, thể hiện ở mục tiêu xuyên suốt “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng và nhân dân ta luôn đặt “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”, khi mà quyền lợi dân tộc chưa đòi được, thì "quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Cho nên, “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” là khát khao cháy bỏng, là nguyện vọng chính đáng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Khi đã giành được độc lập dân tộc, phải “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Khi đất nước bị chia cắt hai miền, thì lợi ích cao nhất của dân tộc ta là đấu tranh thống nhất nước nhà, thu non sông về một mối. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phải coi trọng lợi ích quốc gia-dân tộc trong từng chính sách phát triển. Hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta khẳng định “phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết”. Đó không chỉ là bài học rút ra qua 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, mà còn là vấn đề có tính quy luật của quá trình nhận thức và đổi mới tư duy của Đảng ta trong lãnh đạo đất nước.

Thứ hai, nếu trong văn kiện các kỳ đại hội Đảng trước đã nêu: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, thì trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh “luôn luôn coi lợi ích quốc gia-dân tộc là tối thượng”. Đây là sự khẳng định mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất, có ý nghĩa chỉ hướng hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Quá trình hội nhập quốc tế không chỉ “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” mà “phải lấy lợi ích quốc gia-dân tộc” làm xuất phát điểm, làm mục tiêu, đích hướng tới để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối ngoại và tham gia hội nhập quốc tế của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nghĩa là, trong hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế, mọi tổ chức, cá nhân không bao giờ được xem nhẹ, coi nhẹ lợi ích của quốc gia-dân tộc, tránh những tư tưởng, hành động “vì lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực cụ thể mà bỏ qua, bất chấp, thậm chí hy sinh lợi ích quốc gia-dân tộc”.

Thứ ba, tổng kết bài học “phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết” không chỉ là tư duy mới, mà còn phản ánh phương pháp giải quyết hài hòa, đúng đắn mối quan hệ lợi ích của Đảng ta trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ hiện nay. Đến nay, nước ta đã có quan hệ song phương với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực trên thế giới, trong khi đó, mỗi quốc gia-dân tộc khi tham gia tổ chức quốc tế, khu vực và hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa, đều xác định mục đích, mục tiêu nhất định, suy đến cùng đều nhằm làm gia tăng và bảo vệ lợi ích của quốc gia-dân tộc đó, hoặc lợi ích của liên minh nào đó. Đối với các nước lớn, giới cầm quyền càng đặc biệt cọi trọng và đề ra những đối sách nhằm bảo đảm lợi ích của họ trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ mục tiêu hoạt động đối ngoại của nước ta phải nhằm “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc”. Trong Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX nhấn mạnh, “bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc” là một trong những mục tiêu then chốt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng xác định: “Mở rộng quan hệ quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia”. Vì vậy, việc khẳng định “đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết” trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, khách quan của Đảng ta trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, nhằm bảo đảm sự thống nhất và hòa quyện giữa lợi ích của quốc gia-dân tộc Việt Nam với lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của các cộng đồng dân tộc Việt Nam; đồng thời, đó là mục tiêu, nguyên tắc cao nhất trong các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Thứ tư, để thực hiện mục tiêu tối thượng “lợi ích quốc gia-dân tộc”, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định “lợi ích” là một động lực quan trọng cần nhận thức và xử lý tốt cùng với các động lực khác. Trong mối quan hệ lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam với lợi ích toàn cầu, cần giải quyết hài hòa lợi ích với các chủ thể, đó là chính là các quốc gia có chủ quyền, các tổ chức quốc tế và khu vực trên thế giới. Trên cơ sở, “đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết”, phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa các lợi ích và phương thức thực hiện các lợi ích, nhất là về lợi ích kinh tế; đồng thời phải bảo đảm sự công bằng, hợp lý cho các chủ thể ở trong nước (cá nhân, tập thể, ngành, lĩnh vực…), trong đó, phải khẳng định rõ có hay không vấn đề lợi ích nhóm; nếu có, thì mức độ ra sao, ở ngành, lĩnh vực nào; cách thức, biện pháp phòng, chống, khắc phục như thế nào cho có hiệu quả trên thực tế…? Đó là những vấn đề rất quan trọng, bức thiết đặt ra để các đại biểu dự Đại hội XII của Đảng thảo luận, làm sáng rõ, nhằm khắc phục những nhận thức sai lệch, bóp méo sự thật, hoặc tạo kẽ hở để các thế lực thù địch thổi phồng, xuyên tạc.

Như vậy, “phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết” là bài học lớn được tổng kết qua 30 năm đổi mới toàn diện đất nước, phản ánh tư duy mới của Đảng ta về giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam với các quốc gia trên thế giới trong tiến trình tham gia toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đây không chỉ là vấn đề nhận thức khoa học về mục tiêu tối thượng, mà còn là nguyên tắc bất di bất dịch, phương châm chỉ đạo hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Đại tá, TS NGUYỄN SỸ HỌA, Phó chủ nhiệm Khoa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Lục quân