Dự thảo Bộ luật được bố cục gồm 17 Chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó đã sửa đổi, bổ sung 162 Điều, sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.
Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với việc sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012 nhằm hướng đến bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, củng cố, phát triển các tiêu chuẩn lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tại phiên họp, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là nội dung được các đại biểu tranh luận, góp ý sôi nổi.
Cần lấy thêm ý kiến của người dân
Nhấn mạnh Bộ Luật Lao động là bộ luật có tác động sâu sắc đối với nhiều tầng lớp nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (Hưng Yên) nhấn mạnh, với 49 triệu người lao động ở nước ta hiện nay, dự thảo sửa đổi luật cần bám sát tâm tư, nguyện vọng của người lao động- những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của các chính sách đưa ra sau luật; đồng thời cần lấy thêm ý kiến của người dân để từ đó có thêm thông tin và cơ sở để sửa luật. Đồng tình với đề xuất của Chính phủ về độ tuổi nghỉ hưu, song đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các báo cáo đánh giá kỹ tác động của chính sách này để mang tính thuyết phục.
 |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội. |
Lý giải về việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lần này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, đó là do tuổi thọ của người Việt Nam hiện nay đang tăng cao; tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay là yếu tố bảo đảm cho nguồn quỹ bảo hiểm không bị phá vỡ; tăng tuổi nghỉ hưu là tận dụng tiềm năng, trí tuệ của người lao động đồng thời cũng là để thích ứng với xu hướng già hóa dân số....
Theo đại biểu, dự thảo luật đã đưa ra lộ trình tăng tuổi hợp lý: Tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 9 năm với nam và sau 16 năm với nữ), nhằm “giải quyết việc tuyển dụng lao động qua đào tạo và cũng là thời gian đào tạo hướng nghiệp cho lực lượng trẻ.” “Đặc biệt, sau thời gian trên, với xu thế phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, người lao động sẽ chủ yếu điều hành bằng trí tuệ, tự động hóa công nghệ cao nên có đủ khả năng để kéo dài tuổi lao động”, đại biểu phân tích.
Tuy nhiên, nhấn mạnh để tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý, đại biểu kiến nghị cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, tính đến nhu cầu lao động trẻ; đưa ra giải pháp hợp lý để nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, đặc biệt là người lao động khi luật ban hành.
Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cũng cho rằng, các phương án Chính phủ đưa ra về vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đã bảo đảm quyền lợi và thể hiện được trách nhiệm của người lao động; đồng thời, đã có tính đến các điều kiện, tính chất của lao động và nhiều yếu tố khác. “Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới và được bàn thảo rất nhiều trong quá trình sửa đổi”, đại biểu nói.
 |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội. |
Nữ đại biểu cho biết, qua nắm bắt dư luận xã hội cho thấy, còn nhiều người chưa thực sự đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu song theo đại biểu, việc điều chỉnh này là cần thiết. Đại biểu phân tích: “Tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm, đến nay, các điều kiện về kinh tế-xã hội, về lao động, sức khỏe, tuổi thọ bình quân, yêu cầu phát triển đất nước...đều đã thay đổi rất nhiều.” Do vậy, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, theo đại biểu, là đã “chín muồi”.
Dẫn chứng các số liệu: Cách đây 15 năm, lực lượng lao động tăng khoảng 1,2 triệu người/năm; đến nay chỉ tăng khoảng 400.000 người/ năm và dự báo trong 15 năm tới, Việt Nam chỉ tăng khoảng 200.000 lao động/năm..., đại biểu nhấn mạnh đến việc thiếu hụt lao động trong tương lai.
Cùng với đó, theo đại biểu, việc tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, dẫn đến lương hưu của lực lượng lao động được cải thiện tốt hơn. Thực tế hiện nay, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, lương hưu trung bình của nữ chỉ bằng khoảng 84% so với lao động nam. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng tác động tích cực đến việc phát triển sự nghiệp và sự tiến bộ của phụ nữ, do có thêm cơ hội trong đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, bồi dưỡng và nhiều quy trình về công tác cán bộ khác...
Có tiêu chí cụ thể đối với người lao động có trình độ cao
Cũng đồng tình với đề xuất như dự thảo về phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: “cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi (phương án 1 Chính phủ trình)”, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá, việc điều chỉnh tăng này sẽ hạn chế tác động của tăng tuổi nghỉ hưu đối với thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh cho những nhóm đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đến 10 năm; đồng thời bổ sung phụ lục các trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn 5 năm hoặc 10 năm”, đại biểu đề nghị. Đồng thời, cần có tiêu chí cụ thể đối với người lao động có trình độ cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt, là những trường hợp nào, đối tượng nào, để tránh vận dụng tùy tiện và cũng có cơ sở để giám sát.
Xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng là công nhân lao động
Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) thì cho rằng, cần xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. “Đối với những đối tượng này, có thể xem xét chưa tăng tuổi nghỉ hưu hoặc có lộ trình tăng chậm hơn”, đại biểu kiến nghị.
 |
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội. |
Cũng theo đại biểu, người lao động nước ta hiện còn hết sức khó khăn so với các nước trong khu vực, mức sinh hoạt và bảo đảm cho cuộc sống còn hạn chế...; còn các nước tiên tiến tăng tuổi nghỉ hưu và công nhân vẫn có thể làm việc được do sử dụng công nghệ cao...
“Do đó, nếu có tăng tuổi nghỉ hưu cũng nên chia ra theo nhóm lao động: Nhóm lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và nhóm lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài công lập. Đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu đối với nhóm lao động ngoài nhà nước”, đại biểu nói.
Mặt khác, theo đại biểu, hằng năm nước ta có khoảng 200.000 sinh viên ra trường- Nếu áp dụng ngay quy định tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cản trở phần nào lực lượng lao động trẻ. “Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cần được tính toán thật kỹ”, đại biểu kiến nghị.
PHƯƠNG HẰNG