Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là nội dung quan trọng trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, nội dung phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được nhận thức và nâng lên tầm cao mới.
Truyền thống quý báu của dân tộc ta
Theo Trung tướng Nguyễn Đình Minh, Giám đốc Học viện Chính trị (Đoàn đại biểu Quân đội): Lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước đã khẳng định sức mạnh vô địch của tinh thần yêu nước và để lại những bài học quý về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Thấm nhuần tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của cha ông, đứng vững trên lập trường đoàn kết quốc tế, đoàn kết giai cấp của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhận thức sâu sắc về vai trò to lớn, sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, sức mạnh vô địch của nhân dân; chỉ rõ sự cần thiết phải tập hợp quần chúng, phát huy cao độ, sáng tạo tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến hành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nguyên tắc, đường lối đúng đắn của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đảng ta luôn khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm thành công của cách mạng Việt Nam. Đảng ta luôn kiên trì thực hiện nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc và hòa hợp xã hội theo mục tiêu và lý tưởng XHCN; quy tụ mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của xã hội. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở đồng thuận xã hội trong bối cảnh hiện nay cần phải đặc biệt chú ý đến vấn đề phát huy dân chủ, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc; vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường đoàn kết quốc tế; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Cán bộ Công ty 74, Binh đoàn 15 trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tuyên truyền, vận động nhân dân và các già làng trên địa bàn đóng quân. Ảnh: QUANG HỒI.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định: Dân là gốc rễ, là nền tảng của khối đại đoàn kết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đoàn kết của nhân dân đã được nhân lên gấp bội. Trong những năm đầu cách mạng, chỉ với hơn 5.000 đảng viên, nhưng nhờ biết phát huy truyền thống yêu nước và tranh thủ thời cơ, Đảng ta đã tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc, lãnh đạo nhân dân vùng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ta đã làm nên những kỳ tích trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, hoàn thành mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và thực hiện công cuộc Đổi mới, xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội.
Đại biểu Nguyễn Hữu Hiệp (Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên) cho rằng, trong 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ra sức thi đua, thực hiện công cuộc Đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Dân chủ XHCN được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao... Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Tuy nhiên, với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nhiều đại biểu dự Đại hội XII của Đảng cho rằng, trong thời gian qua, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân. Các cơ quan chức năng chưa thực sự đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội; chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có chủ trương, chính sách phù hợp. Một số chủ trương, quan điểm của Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa thật sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về MTTQ và các đoàn thể nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ...
Phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết
Đại biểu Nguyễn Quang Sơn, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) đề nghị: Đảng cần thường xuyên quan tâm chăm lo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng từ Trung ương tới địa phương cần thấm nhuần quan điểm, đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc củng cố, xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải đồng hành với công cuộc Đổi mới do Đảng ta đang phát động và thực hiện; phải triệt để tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy cao độ quyền làm chủ của quần chúng nhân dân; tích cực khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần thi đua ái quốc của mỗi người dân.
Theo đại biểu Sơn Thị Ánh Hồng, Phó bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, để tăng cường khối đại đoàn kết, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, lôi cuốn nhân dân tích cực tham gia các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng sâu rộng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý (BĐBP tỉnh Thanh Hóa) hướng dẫn bà con trồng rừng, tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: QUANG THẮNG.
Thời gian tới, cần tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.
Đại biểu Hà Sỹ Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc Đổi mới. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua MTTQ và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.
Theo đại biểu Phạm Thiện Nghĩa, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Tháp, cần thường xuyên quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức cả về số lượng và chất lượng. Rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; quan tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Cần tiếp tục củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. MTTQ có vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động ngoại giao nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
TRỊNH DŨNG