Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021, những tháng đầu năm 2022 vào ngày 1-6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá xăng tăng cao tác động đến tình hình trong nước, nguy cơ lạm phát... thì Chính phủ cần sớm xem xét sử dụng các công cụ thuế để giảm giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tập trung tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm để tránh tình trạng đầu cơ găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý.
Cùng với đó là có biện pháp giảm giá của các mặt hàng như xăng dầu, điện, nước… bởi theo các đại biểu, nếu giá các mặt hàng này tiếp tục tăng thì sẽ tác động không nhỏ đến tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.
Kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) nêu quan điểm rằng, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng. Về lâu dài phải tính toán giảm một số loại thuế, phí trong giá thành xăng dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài, khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm phụ thuộc nhập khẩu.
 |
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung: Về lâu dài phải tính toán giảm một số loại thuế, phí trong giá thành xăng dầu nhằm giảm nguy cơ lạm phát. |
Đồng thời, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cũng kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các gói hỗ trợ tín dụng, cam kết hỗ trợ đầu ra, thực hiện các hợp đồng thuê lao động bền vững hơn và đi kèm với những yêu cầu, điều kiện cụ thể hơn về trách nhiệm để doanh nghiệp tham gia vào bình ổn giá.
“Có như thế việc kiểm soát lạm phát mới có thể trụ vững trong bối cảnh hiện nay”, đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, cho rằng “giá xăng dầu tăng khiến chúng ta bị ảnh hưởng ngay”, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, hiện giá cả xăng dầu tăng theo giá thế giới đã và đang đẩy giá các hàng hóa khác tăng theo; đến nay không chỉ xăng dầu, khí đốt tăng mà đã "lan" sang giá vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm….
“Tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đánh giá các chính sách, kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nói.
 |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tăng cường kiểm tra, chống đầu cơ và các hành vi “té nước theo mưa” khi giá hàng hóa tăng. |
Tăng cường kiểm tra, chống đầu cơ và các hành vi “té nước theo mưa”
Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...
Song song với đó là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống đầu cơ, chống các hành vi “té nước theo mưa” và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Ngoài ra, tuy đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định để triển khai Nghị quyết 43 của Chính phủ, song đại biểu cho rằng trên thực tế các nghị định này vẫn chậm đi vào cuộc sống.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện nhanh, hiệu quả gói tài khóa tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội.
“Đặc biệt là cần ưu tiên gói triển khai gói an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, cơ khí, chuyển đổi số phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế số...”, đại biểu TP Hồ Chí Minh lưu ý.
THẢO PHƯƠNG