Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: Trọng Hải

Bổ sung chế tài bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, dự án luật đã bổ sung 1 điều, 1 chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; cơ bản đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc mua, bán hàng qua hình thức thương mại điện tử như hiện nay, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc: Những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể. Ảnh: Trọng Hải

Nhằm khắc phục khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đại biểu đồng thuận cao với những điểm bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, bổ sung chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan.

“Từ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng cho thấy, các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng cũng chưa đủ sức răn đe. Đề nghị bổ sung quy định tại Chương 5 về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đầy đủ và bao quát hơn”, đại biểu đề xuất.

Xảy ra tình trạng quảng cáo thực phẩm tràn lan trên mạng

Ở góc độ liên quan, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn Quảng Nam) quan tâm đến việc quảng cáo sản phẩm trên mạng. Theo đại biểu, trên môi trường mạng, các nền tảng quảng cáo, ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng như Facebook, Youtube, Tiktok… xảy ra tình trạng quảng cáo thực phẩm tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng.

Cho rằng tình trạng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật, được báo chí lên án nhưng chế tài chưa được xây dựng đầy đủ, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm; các công ty, tổ chức, cá nhân quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về những thông tin quảng cáo của mình.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh: Xảy ra tình trạng quảng cáo thực phẩm tràn lan trên mạng. Ảnh: Trọng Hải

Đồng tình và thống nhất cao với tờ trình và báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) đặc biệt lưu ý đến việc quảng cáo thuốc không đúng nhu cầu.

Đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang sử dụng nhiều phương thức quảng cáo sản phẩm, bất chấp việc các đối tượng hướng đến của quảng cáo có thật sự cần đến sản phẩm đó hay không. Nhiều tình huống do sản phẩm mua về không đúng theo nhu cầu sử dụng, gây ra tranh cãi, mâu thuẫn trong giao dịch.

Dẫn ví dụ về những chương trình quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc huyết áp, tiểu đường, sữa dinh dưỡng…, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần tính đến những tình huống cụ thể trong quảng cáo sản phẩm, để bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bảo đảm tối đa quyền lợi của người tiêu dùng

Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trân trọng cảm ơn những ý kiến quý báu của các đại biểu Quốc hội; nhấn mạnh những ý kiến này sẽ giúp Bộ Công Thương làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu ý kiến theo hướng dự thảo luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Trọng Hải

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Thứ trưởng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng bảo đảm tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật; đồng thời sẽ có báo cáo đánh giá tác động với một số nội dung đại biểu đã nêu.

NGUYỄN THẢO – CHIẾN THẮNG