Hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Báo cáo tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, qua gần 12 năm thực thi đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

leftcenterrightdel

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Trọng Hải

Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.

Cần quy định những vấn đề mới, đặc thù để bảo vệ vị trí yếu thế của người tiêu dùng

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho rằng dự thảo luật cần lưu ý nội dung phù hợp sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới, bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013 cũng như sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý.

Mặt khác, dự thảo luật cần chú trọng về yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp về bảo vệ người tiêu dùng.

Về phạm vi sửa đổi của luật, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến đề nghị cần định vị rõ hơn vị trí của luật trong hệ thống pháp luật. Dự thảo luật cần tiếp cận theo hướng chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù, chưa được điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành để bảo vệ vị trí yếu thế của người tiêu dùng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị tổ soạn thảo nghiên cứu thể chế hóa cụ thể hơn nữa những nội dung liên quan trong Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Lê Quang Huy đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với các dự thảo luật đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

"Cùng với đó, nên tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là các quy định về những vấn đề mới, tránh việc quy định chung, khó định lượng; nghiên cứu thu hút các nội dung cụ thể trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn", Chủ nhiệm Lê Quang Huy lưu ý thêm. 

Đáng chú ý, đối với việc bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công, làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

THẢO NGUYỄN – CHIẾN THẮNG