QĐND - Sáng 5-2, Báo Hànộimới phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành, đơn vị chức năng của TP Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về triển khai "Đề án giãn dân phố cổ". Cuộc tọa đàm nhằm góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân tham gia "Đề án giãn dân phố cổ", góp phần xây dựng đô thị văn minh, gắn với các chiến lược phát triển Thủ đô. Mục tiêu của đề án nhằm giảm mật độ dân cư ở khu vực phố cổ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha (mật độ khống chế trong quy hoạch đến năm 2020).

Câu hỏi được nhiều người dân đặt ra nhất trong buổi tọa đàm là vấn đề đa phần những người dân sống tại phố cổ làm nghề buôn bán, dịch vụ, thương mại du lịch là chủ yếu, chính vì vậy họ mong muốn việc di dân, giãn dân phải có quy hoạch và tính đến cả lợi ích kinh tế của họ. Trả lời những băn khoăn của người dân về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết: Đề án giãn dân phố cổ đã tính đến quyền lợi của người dân khi sang nơi ở mới tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên), toàn bộ không gian tầng 1 được bố trí bán hàng, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân, bảo đảm 40% hộ dân di dời sang khu nhà ở giãn dân phố cổ được bố trí kinh doanh. Đồng thời khu giãn dân đã được quy hoạch đồng bộ, bảo đảm đầy đủ hạ tầng trường học, trạm y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc ổn định đời sống của người dân. Trước hết, các cơ quan quản lý phải bảo đảm tiến độ các khu đô thị; bảo đảm chất lượng nhà. Tiếp theo là quan tâm đến điều kiện kinh doanh duy trì cuộc sống và quan tâm đến nhu cầu văn hóa, đời sống tinh thần của người dân.

VŨ DUNG