Nhà xuất bản Văn học vừa ra mắt cuốn sách "Đặng Thuỳ Trâm và chiến trường Đức Phổ- những tư liệu mới từ nước Mỹ". Cuốn sách là tập hợp tư liệu của những người lính từ phía bên kia chiến tuyến viết về liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và chiến trường Đức Phổ.
Phẩm chất anh hùng của nữ bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm nhìn từ phía bên kia
Cuốn sách dày 250 trang, viết về chiến trường Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) và bệnh xá mà bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã từng sống và chiến đấu. Ông Nguyễn Cừ- Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học cho biết: cuốn sách được chia làm ba phần: Phần một do tác giả Đặng Thành Giai trước đây là thông dịch viên của một lữ đoàn của Mỹ, trực tiếp truy kích và bắt Đặng Thuỳ Trâm viết. Ở phần này, tác giả Lê Thành Giai đã bộc lộ những tâm tư, tình cảm số phận và thân phận của người lính ngụy lúc bấy giờ. Phần thứ hai là những tâm sự của những người lính Mỹ, lính nguỵ liên quan đến việc truy bắt Đặng Thuỳ Trâm, thông qua đó thấy hình ảnh của Đặng Thuỳ Trâm và bệnh xá ở chiến trường Đức Phổ ngay lúc đó đã được chú ý; bệnh viện này đã rất có uy tín và phía Mỹ đã phải điều cả một lữ đoàn để truy kích. Phần thứ ba là nội dung cuộc trao đổi giữa nhà văn Phạm Viết Đào và ông Lê Thành Giai bàn về sức sống của văn hoá Việt.
Tác giả Lê Thành Giai - nguyên là thông dịch viên của Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal bộ binh Mỹ từng có mặt tại Đức Phổ (Quảng Ngãi) từ năm 1967 đến năm 1969 - đơn vị này đã nhiều lần tập kích vào trạm xá của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Sau năm 1975, Lê Thành Giai sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã trải qua rất nhiều nghề như: thợ điện, phóng viên thể thao của báo Thanh Niên, từng cộng tác với nhiều báo ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Năm 2000, Lê Thành Giai và con gái định cư tại California- Mỹ. Việc tìm kiếm được những trang viết của tác giả này là một câu chuyện dài. Nhà văn Phạm Viết Đào, người đã dịch cuốn "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" ra tiếng Rumani cho biết ông rất chú ý đến Lê Thành Giai sau loạt bài viết của ông này cho báo Thanh Niên kể lại ký ức về những trận chiến tại chiến trường Đức Phổ. Sau mỗi câu chữ của ông Lê Thành Giai dường như còn trĩu nặng những ký ức về chiến tranh, mặc dù cuộc chiến tranh ấy đã lùi xa 30 năm. Và sau nhiều lần trao đổi, nhà văn Phạm Viết Đào đã gợi ý và động viên để ông Lê Thành Giai viết tất cả những điều mà ông còn trăn trở ấy.
Theo Nhà văn Phạm Viết Đào, "Cuộc chiến tranh ở Việt Nam vừa qua được cả thế giới biết, nhưng chúng ta mới biết một phần ở phía chúng ta và một phần phía bên Mỹ kể, còn một phần ở dân tộc chúng ta trong số đó không phải là những con người bị coi là thứ công cụ, bị lợi dụng, bị đẩy vào tình thế ấy, cho nên đứng về mặt văn hoá, về thân phận con người thì cần phải quan tâm đến họ để hai bên hiểu nhau thì mới hiểu nhau. Khi đọc bài của ông Lê Thành Giai thì tôi cảm nhận được là anh ấy viết thật những điều mà anh ấy còn đau đáu. Với những người bạn Mỹ mà anh ta biết thì quả thật cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là một cú sốc đối với rất nhiều người. Và 30 năm sau, hội chứng Việt Nam còn đeo đẳng họ như một khối u. Cho nên trong số đó, có người đã thốt lên là thời kỳ đó họ có thể trút bom đạn mọi lúc, mọi nơi. Chẳng hạn như hồi ức của một người lính đã nói rằng trước khi đi dự Noel thì còn bao nhiêu bom đạn người ta trút hết xuống. Trước khi gặp Chúa thì bàn tay họ đã trở thành sát nhân. Họ đã sám hối rằng họ đã gây quá nhiều tội ác ở Việt Nam. Nếu chỉ nhìn thấy đó thì đã là hố ngăn cách quá lớn và bây giờ họ đã phải nhìn lại. Người Mỹ thấy là mình đã sai và Việt Nam cũng nên mở lòng để cùng nhau nhìn về phía trước và cuốn sách Đặng Thuỳ Trâm cũng là sự kiện giúp cho người ta thấy rằng: nếu hiểu kỹ cuốn sách thì mới có cơ sở để ngăn cản cuộc chiến tranh trong tương lai. Đấy là những ý kiến mà tôi cho là rất chân thành".
 |
Ông Lê Thành Giai- thông dịch viên lữ đoàn 11 Sư đoàn Bộ binh Mỹ |
Những dòng hồi tưởng của Lê Thành Giai đã cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu hết sức chi tiết, sống động và nhân văn về một quãng thời gian ở chiến trường Đức Phổ, trong những ngày lính Mỹ tập trung săn đuổi một nữ bác sĩ và cái bệnh viện cấp Trung đoàn của chị - theo cách hiểu của người Mỹ lúc đó. Người đọc đã cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh mà ở đó, có biết bao con người phải đối mặt với cái đói, cái rét, cái chết. Làm thế nào giữ nguyên được những dòng viết sinh động và chân thực, đồng thời sắp xếp chúng theo một thứ tự hợp lý để người đọc dễ tiếp nhận? Yêu cầu này đòi hỏi người biên tập cuốn sách phải hết sức tỉ mỉ, công phu. Anh Nguyễn Anh Vũ người biên tập cuốn sách này cho biết: "Đây là cuốn biên tập khá mất công. Từ khi nhận được bản thảo của anh Lê Thành Giai, thì đó là kết cấu của người không có chuyên môn về làm sách. Bởi vì đây chỉ là sự nhặt nhạnh lắp ghép những bài viết trước đây của anh ta và tập hợp lại thành khối không theo phần, khối gì cả. Lúc đầu nhận bản thảo này cũng hơi ngán. Sau khi đọc xong một lượt thì tôi ấn tượng với bản thảo này và sắp xếp lại. Tôi rất trân trọng những giá trị tư liệu của bản thảo. Sau đó nhà văn Phạm Viết Đào phải mail đi mail lại rất nhiều lần. Mọi cuốn sách thì người ta chỉ cần in một lần bông, nhưng cuốn sách này thì phải ra đến 4 lần bông. Tôi và lãnh đạo NXB soát từng con chữ, chú ý đến từng nội dung từ ngữ. Có những phần thì tôi phải thêm những đề mục để tóm gọn những phần nhỏ trong một bài lớn".
Văn hoá Mỹ không đủ sức biến người Việt thành người Mỹ
Trong cuốn sách "Đặng Thuỳ Trâm và chiến trường Đức Phổ- Những tư liệu mới từ nước Mỹ" có phần trao đổi giữa ông Phạm Viết Đào với ông Lê Thành Giai về văn hoá của người Việt, về sức sống văn hoá Việt. Đây là những trang viết rất có ý nghĩa với những ai quan tâm đến cộng đồng người Việt ở Mỹ và những tâm tư của họ.
Ông viết: "Tôi đang sống ở Mỹ, rõ ràng vật chất tuy đầy đủ, không có nghĩa là cuộc sống được đầy đủ do thiếu tình quê hương trong lòng, thiếu và nhớ một cách da diết. Qua nhiều lần tâm sự, nhiều đồng hương của tôi cũng có ý nghĩ như tôi nhưng e ngại không dám nói ra. Có một số người nhập quốc tịch Mỹ, bề ngoài cứ tưởng mình là Mỹ, nhưng thực tế không được người Mỹ coi là đồng chủng. Do phải sống không thực với chính mình, nên buộc họ phải thường xuyên "đóng kịch" với chính mình. Họ xem được "đồng hoá" là vinh dự, con cái nói tiếng Mỹ, trong gia đình giao tiếp bằng tiếng Mỹ, tập sống như Mỹ. Họ đâu biết rằng, mang danh Vietnamese- American thật chẳng có chút vẻ vang gì. 1.000 năm Bắc thuộc, 100 năm bị đô hộ bởi thực dân Pháp, cha ông ta vẫn là người Việt, nói tiếng Việt. Thế mà mới 30 năm, rất không ít người đã đánh mất sức đề kháng truyền thống của người Việt".
Lê Thành Giai cũng cho rằng: "Cần giúp một bộ phận không nhỏ bà con ở hải ngoại đang tự đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Mặt trận văn hoá rất cần những con người bao dung và sự kiên trì. Hãy làm cho người Việt ở hải ngoại thức tỉnh để cứu những thế hệ người Việt lại thiếu nét văn hoá Việt Nam tại Mỹ. Hãy làm cho người Việt ở hải ngoại thức tỉnh để cứu những thế hệ người Việt - Mỹ tiếp theo. Chỉ khi nào bà con hải ngoại thấu hiểu các chính sách cởi mở của Nhà nước Việt Nam sẽ tự động quay về với cội nguồn dân tộc”.
Trong bài viết ở cuối cuốn sách, ông Lê Thành Giai viết: "Hồi ức về bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm giúp tôi nhìn lại con đường đã đi một lần trong đời, Phạm Viết Đào tặng tôi lẽ sống thực trong những bước đi của cuộc đời còn lại. Tôi thật may mắn biết được hai người; cả hai đều ở phía bên kia, nhưng thật rộng lượng đưa bàn tay thân ái cho tôi nắm trong lúc bước chân tôi đang chơi vơi tiến đến bờ vực".
Theo nhà văn Đỗ Minh Tuấn, "công việc của Phạm Viết Đào và Lê Thành Giai có ý nghĩa hơn một tập sách. Đó là sự nhân bản một huyền thoại giúp cho huyền thoại Đặng Thuỳ Trâm bắt rễ vào ký ức, nở hoa trong từng số phận, tái sinh những lẽ sống và kết nối lại những mảng đời lưu lạc khắp bốn phương...".
Theo VOVnews