 |
Cảnh trong vở “Cung phi Điểm Bích”. |
Có lẽ ít người còn nhớ đã bao nhiêu năm rồi, trên sân khấu Tết Thủ đô mới xuất hiện một vở cải lương, lại là một vở diễn gây chấn động, lúc nào cũng “sốt” vé như năm nay. Cung phi Điểm Bích, tác giả: Hoàng Công Khanh, chuyển thể cải lương: NSUT Ngọc Chi, do Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng là vở diễn vừa đoạt giải A “Liên hoan tác phẩm của các đạo diễn trẻ tại TP Hồ Chí Minh” của đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai đang được diễn tại các rạp hát ở Hà Nội và sẽ tiếp tục “chinh Nam” sau Tết.
Cung phi Điểm Bích là một câu chuyện lịch sử có thật, được dân gian thêm thắt nhiều nên có màu sắc huyền thoại. Câu chuyện được tác giả Hoàng Công Khanh viết lại dưới hình thức kịch thơ. Tác phẩm kể về một Cung phi có tên Điểm Bích tài sắc song toàn. Xinh đẹp, thơ hay, đàn giỏi, múa đẹp, nàng là Cung phi được vua Trần Anh Tông yêu quý và tin tưởng nhất. Lúc này trong triều có một người tên thật là Lý Đạo Tài, học rộng, tài cao, được nhà vua trọng dụng, kính quý như một người bạn chí thân, một bậc đại học sĩ nhưng nhất quyết rời xa chốn son vàng, xin được lên tu tại chùa Yên Tử. Vua Trần Anh Tông đồng ý, cho pháp hiệu Huyền Quang (đây chính là sư tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm). Tuy nhiên trong lòng nhà vua vẫn còn nhiều nghi hoặc nên Người đã giao cho Cung phi Điểm Bích giả làm cô gái quê lưu lạc, xin vào Yên Tử, trong vòng một năm phải thực hiện hai nhiệm vụ: tìm hiểu xem Huyền Quang có ý định mưu phản không và dùng kế mỹ nhân xem có dụ được lòng người quân tử.
Với trái tim khao khát yêu đương của tuổi trẻ, từ ý định ban đầu lên Yên Tử theo lệnh nhà vua, Điểm Bích đã thực sự mến tài, kính đức của Huyền Quang. Tình tiết cao trào trong đêm cuối cùng kết thúc thời hạn một năm nàng phải quyến rũ Huyền Quang cũng là phút nàng trải hết lòng mình. Thất bại, nàng dùng mưu kế định để Huyền Quang bị đuổi khỏi nhà chùa. Thêm một lần thất bại, nàng cay đắng giã từ cung son, giã từ người đã một lòng về đất Phật, trở lại dân gian.
Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai xây dựng vở diễn chỉ có ba lớp diễn chính, không quá nhiều nhân vật, không quá nhiều tình tiết nhưng lại đậm chất suy tư và triết lý nhà Phật. Đây là một thách thức không nhỏ đối với nữ đạo diễn trẻ mới vào nghề. Chọn cho mình một kịch bản đã bị cất kho nhiều năm với quan điểm “khó để dựng thành vở cải lương”, Quỳnh Mai trước hết đã thành công khi chị biến nó thành một vở kịch cải lương-nghĩa là ít sự dài dòng, uỷ mị hơn và có sự đan xen của tiết tấu mạnh mẽ, cách diễn hiện đại nhưng vẫn đảm bảo giai điệu, lời ca, ý tứ của vở diễn.
Xuyên suốt cả vở diễn, chị chỉ sử dụng một lớp màn trang trí sân khấu đơn giản, không cầu kỳ với hai màu đen-trắng, hai chiếc trống-chiêng ngụ ý đạo và đời và đặc biệt là những cánh mai điểm xuyết trên nền phông, những bông hoa mai-người trắng muốt, mềm mại dưới sự diễn xuất của các diễn viên, tất cả đã mang đến cho người xem cảm giác về một điều gì đó vừa thanh cao, quý phái lại vừa đời thường, dân dã; đồng thời cũng tập trung toàn bộ sự quan tâm của khán giả vào diễn xuất của diễn viên, cái đích cho những táo bạo của chị.
Màn diễn Điểm Bích quyến rũ sư tổ Huyền Quang là màn diễn độc đáo của cả vở, cũng đồng thời là mảnh đất màu mỡ để nữ đạo diễn trẻ thể hiện khả năng của mình, khiến khán giả thực sự có cảm giác hả hê với những tiết tấu liên tục được đẩy lên cao độ, khai thác tận cùng khả năng diễn xuất của nghệ sĩ, đồng thời kết hợp với một sân khấu được thiết kế vừa hiện đại, vừa truyền thống; ánh sáng, âm thanh tạo cảm xúc mạnh mẽ. Hiệu ứng ánh sáng được chị sử dụng khéo léo và mạnh mẽ trong những miêu tả sự run rẩy của sư tổ trước tình yêu mãnh liệt của cung phi Điểm Bích, trong khi thể hiện hình ảnh cơn mưa dập tắt dàn lửa; rồi tiếng đàn tình của cây đàn không phím, không dây khi Điểm Bích đánh lên để mê hoặc nhà sư được ẩn dụ bằng những dải lụa mềm bao bọc nhà sư, “lạt mềm buộc chặt” - khiến người xem phải hồi hộp, nín thở theo từng tiết tấu của vở diễn, từng cao trào… Quỳnh Mai đã thể hiện được một Huyền Quang không phải lòng lạnh như đá mà cũng đầy rung động - không phải cái rung động tầm thường trước một người đàn bà lả lơi, yêu kiều mà là sự rung động trước một tâm hồn đang khao khát yêu đương mãnh liệt không bằng một lời nào, hạn chế cả biểu đạt của sư tổ Huyền Quang, chỉ có âm thanh, hình ảnh và diễn xuất của Điểm Bích-Thanh Thanh Hiền.
Có thể nói, “Ngôi sao cải lương xứ Bắc” Thanh Thanh Hiền đã đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của vở diễn khi chị hóa thân thành một Điểm Bích vừa trong sáng, ngây thơ lại có cái lẳng lơ “tưởng như suồng sã mà vô cùng tế nhị”, vừa có cái cao sang, lộng lẫy, vừa thông minh tuyệt đỉnh vừa đầy mưu mô, toan tính. Chị đã diễn được hết chiều sâu tâm hồn Điểm Bích không chỉ bằng giọng ca khỏe, trong trẻo, mượt mà, mà còn thể hiện tinh tế những tâm trạng phức tạp đan xen chồng chất trong Điểm Bích, giữa cái rộn ràng quấn quýt với nỗi khắc khoải nghẹn ngào, giữa ngập ngừng hoa lá với thẹn thùng, e lệ nữ nhi thường tình ở chốn cửa chùa...
“Cung phi Điểm Bích” thực sự là hơi thở hồi sinh mạnh mẽ của cải lương phía Bắc, đồng thời cũng đánh dấu sự nỗ lực của những người làm cải lương để loại hình này có những nét mới khác hơn cải lương truyền thống Nam Bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả Thủ đô.
Và vì thế, dù chưa có một nhà hát của riêng mình, dù phải diễn nhờ ở các rạp bạn, “Cung phi Điểm Bích” vẫn nườm nượp người xem. Và Tết này, các nghệ sĩ của nhà hát còn mang cả vở diễn đến với bà con các vùng ngoại ô không có điều kiện về thành phố.
Bài và ảnh: Phạm Thành Huyên