Ngày 6-2, tại hội thảo xây dựng dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, do Bộ Nội vụ tổ chức, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các tổ chức tôn giáo đã đánh giá cao và hoan nghênh việc soạn thảo dự án luật này, thể hiện bước tiến lớn về khung pháp lý, chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của công dân.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: btgcp.gov.vn |
Tại hội thảo, đại diện cộng đồng Hồi giáo cho biết, trong thời gian qua, các tín đồ Hồi giáo nói riêng, tín đồ các tôn giáo nói chung đã được Nhà nước tạo điều kiện để tự do tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên Pháp lệnh Tôn giáo năm 2004 đến nay đã có một số điểm cần phải sửa đổi, nâng lên thành luật. Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định con người là mục tiêu và trọng tâm của mọi hành động, thể hiện sự tôn trọng quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, hướng đến trật tự xã hội nhân bản.
Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Tấn Đạt cho rằng: Cần có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để điều chỉnh các hành vi tín ngưỡng, nhằm đem đến một trật tự xã hội hài hòa, ổn định.
Góp ý vào dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Thượng tọa Thích Thiện Tống, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: Dự thảo luật cần bổ sung một số thuật ngữ liên quan của từng tôn giáo, có thêm quy định cấm hành vi mê tín dị đoan, bổ sung quyền của tín đồ, chức sắc trong khuôn khổ Hiến chương, điều lệ của từng tôn giáo cũng như quy định của pháp luật. Còn t heo bác sĩ Nguyễn Phương Hiền, Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam nêu quan điểm, Dự thảo luật cần tạo cơ chế đặc thù để các tôn giáo thực hiện hành động từ thiện y tế dễ dàng hơn; thay vì phải đúng quy trình như khu vực y tế tư nhân.
Tại hội thảo, một số ý kiến của đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định người nước ngoài vào Việt Nam sinh hoạt tôn giáo một cách chặt chẽ, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng nhưng không gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, đất nước; quy định đặc thù về vấn đề giải quyết tranh chấp tài sản của cơ sở tôn giáo; đưa khái niệm di tích văn hóa vào Dự thảo luật…
Ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo nguyên tắc tự do tín ngưỡng, không ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác nhưng cũng phải tôn trọng truyền thống, tập quán, thói quen có từ hàng nghìn, hàng trăm năm, thậm chí mới hình thành của các tôn giáo. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về sự đa dạng dân tộc và tôn giáo; vì thế càng phải tôn trọng điều này. Tuy nhiên cũng có một số cơ sở đã cố tình lợi dụng, gây ảnh hưởng đến người khác, tổ chức khác nên phải có luật để điều chỉnh hành vi.
Đối với các kiến nghị của các chức sắc, tu sĩ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu, cân nhắc đưa vào Dự thảo luật; trong đó Hiến chương, điều lệ của các tôn giáo sẽ được tôn trọng trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, vì đây là Luật nên chỉ quy định những vấn đề chung, mang tính thống nhất, còn việc hướng dẫn chi tiết sẽ có các Nghị định, thông tư.
TTXVN