Sáng 28-8, đoàn khai quật khảo cổ tại làng Phong Lệ (nay là Phong Bắc, Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chính thức công bố về phát hiện di tích kiến trúc Chămpa cách đây hơn 1.000 năm tuổi bị chôn vùi dưới lòng đất vừa được khai quật.

Quần thể di tích kiến trúc tháp Chăm Phong Lệ được phát hiện trên diện tích khảo cổ gần 1.000m², một loạt các di tích, nền móng, vật kiến trúc được các chuyên gia khai quật, dần hé lộ về nét văn hóa tâm linh độc đáo của di tích tháp Chăm ngàn năm tuổi tại Đà Nẵng.

Các hiện vật được cho là lần đầu tiên được tìm thấy trong hố thiêng giữa lòng đền tháp Chămpa tại Đà Nẵng.

Từ đầu tháng 7-2012, nhóm nghiên cứu bắt đầu khai quật mở rộng chung quanh nền tháp Chămpa do một người dân tình cờ phát hiện khi đào móng làm nhà hồi tháng 3 năm ngoái. Khi khai quật tại hướng Tây Bắc của tháp này, nhóm nghiên cứu phát hiện một nền tháp Chămpa rộng 18m, dài khoảng 20m (tính cả cửa chính nhô ra).

Qua so sánh các tài liệu, nhóm khảo cổ nhận định đây là nền móng tháp Chămpa có diện tích lớn nhất từ trước đến nay, và có thể tại đây (vào khoảng thế kỷ X – XII) từng tồn tại một tháp Chămpa đồ sộ nhất so với các tháp còn lại hiện nay.

Nhóm khảo cổ cũng đã phát lộ một hố sâu nằm ngay giữa lòng nền móng tháp sâu hơn 2m, có diện tích trong 4,25 x 4,25m, diện tích ngoài 6,4 x 6,4m. Dưới chân tường của hố có 8 hốc lõm hình chóp tròn, kích thước khoảng 20 x 40cm ở 8 hướng, bên trong mỗi hốc lõm có đặt một hòn đá cuội to bằng quả trứng đà điểu, phía trên hòn đá cuội có đặt hòn gạch Chămpa vuông, chung quanh xếp nhiều đá thạch anh. Đây là lần đầu tiên trong nghiên cứu Chămpa, các nhà khảo cổ học được khảo cứu sâu trong lòng tháp Chămpa.

Căn cứ vào nền móng đồ sộ được tìm thấy, nhóm khảo cổ học nhận định nơi đây đã từng tồn tại một tháp Chăm lớn nhất so với các tháp đang tồn tại hiện nay, được xây dựng theo kiến trúc, tâm linh của người Chăm từ thế kỷ X - XII. Tuy nhiên, nhóm khảo cổ học cho rằng, để có thể nghiên cứu sâu hơn, có thể đưa ra lý giải chính xác về kiến trúc di tích này cũng như lý giải về hố thiêng, rất cần có thời gian nghiên cứu, phân tích.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng và cũng là thành viên nhóm khảo cổ cho biết, đã đề xuất UBND TP Đà Nẵng quy hoạch khu vực có di tích này thành khu bảo tồn di sản văn hóa, trưng bày hiện vật Chămpa gắn liền với giới thiệu sản phẩm truyền thống của địa phương.

Theo SGGPO