* Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật
QĐND - Chiều 15-1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lễ công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, gồm Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ban, bộ, ngành.
Tại buổi lễ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng đã công bố toàn văn Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 14-1-2016, gồm 3 điều như sau:
Điều 1. Công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016.
Điều 2. Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan theo trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký.
 |
Quang cảnh buổi lễ công bố. Ảnh: TTXVN.
|
Sau khi nghe Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: Kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội (6-1-1946) đến nay, cuộc bầu cử ngày 22-5 tới sẽ là cuộc bầu cử thứ 14. Ngày 22-5 sẽ trở thành một ngày lịch sử, cuộc bầu cử sẽ trở thành một sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng. Đó là ngày mà cử tri, đồng bào bằng lá phiếu của mình quyết định lựa chọn ra đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Khi cử tri và nhân dân bầu xong Quốc hội khóa XIV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thì mới hình thành được bộ máy chính quyền các cấp, bởi chỉ các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp do cử tri bầu ra mới có quyền lập ra bộ máy chính quyền từ Trung ương đến cơ sở.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ mong muốn và tin tưởng, các cơ quan, tổ chức và toàn bộ cử tri sẽ làm hết trách nhiệm của mình, bảo đảm sẵn sàng đến ngày 22-5, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức thực sự dân chủ, công bằng, an toàn tuyệt đối, tiết kiệm và sẽ thành công tốt đẹp, để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc. (THÙY DƯƠNG)
* Cũng trong chiều 15-1, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án luật-dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.
Theo Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan soạn thảo đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2000 phân khối và điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại xe này mỗi năm giảm xuống 5% so với thuế suất hiện hành, bỏ lộ trình giảm trong năm 2019.
Nhắc lại ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị các cơ quan liên quan đánh giá cụ thể hơn về tác động của việc giảm thuế nói trên với ngành sản xuất ô tô trong nước ở mức độ nào và còn vấn đề gì chưa xử lý được hay không?
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã làm việc với hãng ô tô nội địa. Qua ý kiến của doanh nghiệp và qua đánh giá của các cơ quan chức năng thì việc giảm thuế suất không có tác động lớn đến ngành sản xuất ô tô trong nước.
Một số ủy viên UBTVQH đặt vấn đề, tại sao đưa thêm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ vào dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), trong khi đã có 3 pháp lệnh về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ? Tại sao không quy định cụ thể về mức thuế của 3 loại thuế này để minh bạch hóa quy định về thuế? Trả lời các câu hỏi này, cả Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đều khẳng định, việc đưa 3 loại thuế này vào dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Theo đó, các quy định về thuế phải nằm trong các văn bản luật. Hơn nữa, cả 3 loại thuế này đều chỉ liên quan đến hàng nhập khẩu, nên đưa vào dự án luật này là hợp lý. Theo thông lệ quốc tế, khi phát sinh trên thực tế, Bộ Công Thương sẽ điều tra xem có hiện tượng bán phá giá, trợ cấp hay không, mức độ bao nhiêu, sau đó mới áp mức thuế cụ thể cho tương xứng. Vì vậy, không thể ấn định mức thuế suất cụ thể với 3 loại thuế này.
Sáng cùng ngày, Đảng đoàn Quốc hội và UBTVQH cho ý kiến về dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và phương hướng nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIV. Sau đó, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. (THẮNG MINH)