Theo đó, luật được công bố là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

 Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì cuộc họp báo.

Giới thiệu về điểm chính của luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung này để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hoá đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư và sản xuất, sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng thông tin, sau khi luật sửa đổi 9 luật được công bố, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan liên quan sẽ tiến hành hợp nhất các văn bản luật theo quy định để người dân có thể tra cứu.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Quân đội nhân dân liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực-vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhất là khi, thời gian qua, năng lượng tái tạo phát triển nóng nhưng lưới truyền tải điện chưa phát triển đồng bộ, nên việc cho phép và thu hút tư nhân làm hạ tầng sẽ tháo gỡ "điểm nghẽn" trong các tuyến đường dây truyền tải.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trả lời câu hỏi liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực

Cụ thể, Điều 6 của luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 2a sau khoản 2 Điều 4 để quy định: Các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; Nhà nước độc quyền trong các hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng. Đồng thời, bổ sung điểm d1 vào sau Điểm d khoản 1 Điều 40 quy định quyền của đơn vị truyền tải điện là được đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật; bổ sung điểm h1 vào sau điểm h khoản 2 Điều 40 quy định nghĩa vụ của đơn vị truyền tải là bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng, trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, khi thu hút tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực truyền tải điện thì cũng cần phương án quản lý thống nhất, không phải tư nhân nào bỏ vốn đầu tư đường dây truyền tải thì được khai thác độc quyền đường dây đó, mà phải bảo đảm cơ chế hoà lưới điện khu vực, quốc gia. Việc quản lý lưới điện phải bảo đảm trên nguyên tắc bảo đảm an ninh năng lượng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ 1-3.

Tin, ảnh: VŨ DUNG