Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam - hàn thử biểu của nền kinh tế đã chứng kiến những kỷ lục mới. Ngày 21-9, chỉ số VN-Index đã chạm ngưỡng 580 điểm, ở mức cao nhất trong hơn một năm qua. Đây là tín hiệu lạc quan báo hiệu thời kỳ suy giảm kinh tế sắp kết thúc. Một số chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và có thể hồi phục nhanh hơn so với một số nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực. Sau nguy sẽ là cơ...

Những tín hiệu tích cực

Khai thác dầu khí vẫn là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới. Trong ảnh: Hoạt động dịch vụ khai thác dầu khí tại chi nhánh Cảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN

Từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra đã gây tác động và ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế, trong có kinh tế Việt Nam. Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Chính phủ đã có những quyết định rất kịp thời và sáng tạo để ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có việc thực hiện giải pháp hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng, nhằm kích thích các doanh nghiệp vay vốn, duy trì và mở rộng sản xuất-kinh doanh. Các giải pháp này đã có tác động tích cực và nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều tín hiệu vui.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 3,1% trong quý I-2009 (mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ) đã vượt lên 4,5% trong quý II-2009 và dự báo trong quý III này sẽ tăng mạnh hơn. Điều này đủ cơ sở để chứng tỏ, kinh tế Việt Nam đang dần vượt qua giai đoạn khó khăn và chính sách kích thích nền kinh tế đã phát huy tác dụng. Sản xuất công nghiệp bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, tăng trưởng tháng 8 đạt 10,6% so với cùng kỳ năm 2008. Một số địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, đạt mức tăng cao như: Đà Nẵng tăng 17,6%, Hà Nội tăng 16,8%, Thanh Hóa tăng 15,4%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 11,4%... Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng qua tăng 18,4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng, đạt khoảng 42,5% GDP, trong đó vốn FDI thực hiện 8 tháng đầu năm đạt 6,5 tỉ USD.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ nhận định: Với xu thế tăng trưởng từ đầu năm đến nay, cả năm 2009, GDP của Việt Nam có thể tăng khoảng từ 5 đến 5,2%, vượt chỉ tiêu điều chỉnh đã được Quốc hội thông qua.

Khởi động kế hoạch “hậu kích cầu”

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm nay tại thành phố lớn nhất nước này đã tăng tới 1,59% so với tháng 8. Đây là mức tăng trong một tháng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Như vậy, nguy cơ lạm phát vẫn rình rập. Một việc đáng lo ngại nữa là nhập siêu tăng nhanh. Nếu như nhập siêu thực hiện trong 7 tháng đầu năm mới đạt 3,621 tỉ USD thì nhập siêu 8 tháng đã lên 5,121 tỉ USD (tăng khoảng 1,5 tỉ USD trong tháng 8). Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo báo cáo của các doanh nghiệp, gần đây hàng hóa tồn kho, không tiêu thụ được khá nhiều.

Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự kiến vào cuối tháng 9 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét về kế hoạch “hậu” kích cầu khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4% sẽ kết thúc vào cuối tháng 12-2009. Nếu kinh tế thế giới và Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2009 thì có thể sẽ ngừng kích cầu để tránh làm nghiêm trọng tình trạng thâm hụt ngân sách. Nếu diễn biến khác đi thì rất có thể sẽ có một gói kích thích kinh tế thứ hai, tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong năm 2010.

Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, chính sách bù lãi suất, nếu không được quản lý hiệu quả, sẽ gia tăng gánh nặng nợ nần và hiện tượng đầu cơ nóng với các dự án vay chất lượng thấp.

Kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2010

Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã đưa ra dự báo về hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2010. Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế khoảng từ 6 đến 6,5%, lạm phát khoảng dưới 10% trong điều kiện sau: Tốc độ tăng của tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2009 khoảng 30%, năm 2010 khoảng 25% đến 27%; hiệu quả đầu tư giảm nhẹ so với năm 2008; giá dầu thế giới tăng trở lại và đạt mức bình quân 64USD/thùng năm 2009 và 70 đến 75USD/thùng năm 2010; giá gạo thế giới có xu hướng tăng và đạt mức bình quân 570USD/tấn năm 2009 và 750USD/tấn năm 2010.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế khoảng từ 6,2% đến 7%, lạm phát khoảng từ 7,5 đến 8,5% trong điều kiện sau: Tốc độ tăng của tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2009 khoảng 25 đến 27%, năm 2010 khoảng 23% đến 25%; hiệu quả đầu tư tương ứng năm 2008; giá dầu thế giới bình quân 60USD/thùng năm 2009 và 70 đến 75USD/thùng năm 2010; giá gạo thế giới có xu hướng tăng và đạt mức bình quân 565USD/tấn năm 2009 và 600USD/tấn năm 2010.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ nhận định: Khủng hoảng tài chính đã dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, song những dấu hiệu tăng trưởng, phục hồi nhanh chóng trong thời gian gần đây từ các nền kinh tế lớn trên thế giới khiến chúng ta có cơ sở vững chắc để hy vọng rằng sự suy giảm đã chạm đáy, kinh tế thế giới đang bắt đầu bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng. Bản thân nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng đang xuất hiện một số dấu hiệu phục hồi, cho dù vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn và nguy cơ khó lường.

Cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, thời điểm này là cơ hội lớn để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam hiện nay tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng lượng vốn đầu tư với hiệu quả đầu tư chưa thật sự cao, GDP chủ yếu vẫn từ các ngành khai thác tài nguyên. Các sản phẩm công nghiệp chế tác hầu như không đáng kể; dịch vụ ngân hàng, tài chính, tín dụng có tỷ trọng nhỏ. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế chậm, chưa có các ngành chủ lực mới. Các loại dịch vụ phát triển kinh doanh có quy mô nhỏ và có xu hướng giảm hoặc không thay đổi…

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia: Năm 2010 có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, mà quan trọng hơn là thời cơ để bắt đầu thực hiện một chương trình tổng thể tổ chức lại nền sản xuất theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, khắc phục những tồn tại yếu kém của cơ cấu kinh tế. Cần phải tổ chức lại nền kinh tế nhằm chuyển nền kinh tế từ tính chất gia công sang sản xuất, tham gia  chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển nền kinh tế từ lệ thuộc sang tương thuộc trong quá trình hội nhập. Chủ trương của Bộ Chính trị khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là rất đúng đắn, nhưng để chủ trương này mang lại kết quả cao phải tổ chức lại nền sản xuất, định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng thị trường nội địa.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Những tháng còn lại của năm 2009 vẫn còn đầy khó khăn. Trong tình hình đó, giải pháp quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Có ổn định mới cạnh tranh được. Về việc chúng ta chưa nắm bắt được những cơ hội đến cùng thách thức trong thời kỳ suy giảm, có thể nói một cách ngắn gọn thế này: Nếu chúng ta yếu, thiếu bản lĩnh, không nhận biết thời cuộc, tình huống, không biết nỗ lực sửa đổi, cải cách để vươn lên, thì tất cả cơ hội đều biến thành thách thức.

 

“...Chính phủ đã xác định, mục tiêu tổng quát của năm 2010 là tập trung mọi nỗ lực, phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững vào năm 2011 và những năm tiếp theo; giữ ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006-2010. Theo đó, định hướng bước đầu các chỉ tiêu cơ bản của năm 2010 sẽ là: GDP tăng trưởng khoảng 6,5%; chỉ số tăng giá tiêu dùng dưới 7%, bội chi ngân sách khoảng 6,5% GDP....

Trích Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8-2009 của Chính phủ

ĐỖ PHÚ THỌ