Mở rộng Hà Nội là tất yếu. Ảnh minh hoạ

Chúng tôi đã có điều kiện nghe ý kiến phát biểu, gặp gỡ trao đổi và phỏng vấn nhiều đại biểu quân đội trong Quốc hội xung quanh tờ trình của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội. Ý kiến đề cập nhiều khía cạnh nhưng có một điểm chung nổi bật là sự thống nhất cao với chủ trương mở rộng Hà Nội, khẳng định đó là tất yếu khách quan, quyết định đúng lúc và có cơ sở khoa học.

Mở rộng là tất yếu khách quan

Đại biểu Ngô Văn Hùng của Lào Cai và đại biểu Lê Hữu Đức của Khánh Hòa đều cho rằng mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là tất yếu khách quan trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, rất cần thiết cả về lý luận và thực tiễn. Cả hai đại biểu này cho rằng, trước sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ như hiện nay, Hà Nội đã bộc lộ bất cập và đang phải chịu sự mất cân đối quá lớn trên nhiều phương diện, quá tải về dân số, hệ thống hạ tầng cơ sở, nhu cầu phát triển kinh tế, chất lượng môi trường, về yêu cầu của việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử của dân tộc tập trung trên địa bàn Hà Nội… Đại biểu Võ Trọng Việt của Sơn La cũng nhận xét: “Hà Nội chật chội quá”. Theo đại biểu Võ Trọng Việt, “Mở rộng Thủ đô là chủ trương hợp với ý Đảng, lòng dân, thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và Chính phủ”, mở rộng là điều kiện xây dựng Thủ đô ngang tầm với quốc tế, là quyết định có tính chiến lược, lâu dài.

Quyết định có cơ sở khoa học

Trong một buổi thảo luận, đại biểu Lê Hữu Đức nêu câu hỏi: Có phải mở rộng Thủ đô Hà Nội là thiếu cơ sở khoa học hay không? Cũng chính đồng chí đưa ra câu trả lời với những lập luận chặt chẽ. Sau khi đưa ra dẫn chứng rằng “ý tưởng mở rộng Thủ đô Hà Nội nảy sinh trong quá trình xây dựng đề án quy hoạch vùng Thủ đô. Trên cơ sở một hệ thống yêu cầu, tiêu chí của Chính phủ đề ra, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu mới đưa ra 5 phương án để chọn một phương án tối ưu. Thông qua hơn 20 cuộc hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài và trong nước, đều đi đến thống nhất phải mở rộng”. Đồng chí kết luận “không thể nói đề án như vậy là thiếu cơ sở khoa học”. Đại biểu Nguyễn Khắc Nghiên của Phú Thọ cũng khẳng định: “Đề án đã được chuẩn bị 6 năm, trải qua 20 cuộc hội thảo trong nước và quốc tế với sự tham khảo các chuyên gia nước ngoài, được Ban cán sự Đảng Chính phủ trình ra Bộ Chính trị, Bộ Chính trị trình ra Trung ương thảo luận kỹ rồi mới thông qua. Như vậy là hoàn toàn có căn cứ”.

Đại biểu Võ Trọng Việt cho rằng, lâu nay chúng ta thường phê phán Chính phủ để địa phương làm quy hoạch chắp vá, manh mún, quy hoạch theo nhiệm kỳ nên nhìn đến cảng biển thì cảng biển quá tải, nhìn đến sân bay thì sân bay cũng quá tải, tất cả đều quá tải. Vì thế việc Chính phủ xây dựng đề án mở rộng Thủ đô với quy mô lớn hơn và tầm nhìn xa hơn là hoàn toàn phù hợp. Khẳng định phương án 1 là tối ưu, đồng chí phân tích: “Thứ nhất, nó đáp ứng được yêu cầu xây dựng một Thủ đô đa chức năng. Thứ hai, chia cắt hợp nhất gọn. Thứ ba, đảm bảo về thế quốc phòng, an ninh trong chiến tranh hiện đại. Thứ tư là vừa giải quyết được những bức xúc trước mắt, vừa thực hiện mục tiêu chiến lược lâu dài”. Theo đồng chí, lộ trình, cách làm của Chính phủ, từng bước trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị là thể hiện tinh thần nghiêm túc trước dân, trước Đảng. Các tiêu chí nêu ra vừa đáp ứng yêu cầu về chính trị, kinh tế, xã hội, vừa bảo đảm về quốc phòng, an ninh.

Không phải là vội vàng

Không đồng ý với một số ý kiến cho rằng mở rộng Thủ đô Hà Nội vào thời điểm hiện nay là “vội vàng”, đại biểu Lê Hữu Đức cho rằng, với quá trình nghiên cứu gần 6 năm của Chính phủ, với những kết quả khảo sát, đánh giá, so sánh khá đầy đủ về các yếu tố, qua nghiên cứu, học tập nhiều mô hình, lại nhận được sự nhất trí cao của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, của các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình và Vĩnh Phúc, thì dự án mở rộng Hà Nội không thể coi là “việc làm vội vàng”.

Đại biểu Phan Văn Tường của tỉnh Thái Nguyên thậm chí còn cho rằng “đưa ra vấn đề mở rộng Hà Nội vào thời điểm này là chậm” vì Nghị quyết của Bộ Chính trị về Thủ đô, Pháp lệnh về Thủ đô đã có từ những năm 2000, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo và có chỉ thị cách đây 6 năm. Theo đại biểu Phan Văn Tường, nếu đề án mở rộng Thủ đô Hà Nội được thông qua sớm hơn thì sẽ có công tác chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt, Quốc hội có thông qua mới có cơ sở xây dựng, quy hoạch để tranh thủ ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân.

Đại biểu Phan Văn Tường chỉ ra những khó khăn, thách thức nảy sinh nếu kế hoạch mở rộng Hà Nội bị chậm trễ. Đồng chí khẳng định: “Thực tiễn trong công tác quy hoạch chứng minh, nếu mỗi ngày trôi qua vấn đề lại càng thêm phức tạp, lại càng thêm lãng phí tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Hằng năm, chúng ta phải chứng kiến hàng nghìn công trình phải dỡ bỏ, giải tỏa do qui hoạch kém theo đó là hàng loạt các vấn đề khác nảy sinh như khiếu kiện, tranh chấp, kỷ luật, thậm chí cả tù tội. Nếu chúng ta quy hoạch sớm, quy hoạch với tầm nhìn xa sẽ hạn chế được tình trạng trên.

Đại biểu Phạm Quang Hợi của Hưng Yên trước đây là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy thành phố Hà Nội nắm khá rõ về các bước chuẩn bị cho việc mở rộng Thủ đô. Theo đồng chí, quyết định mở rộng Hà Nội vào lúc này là đúng thời cơ, chứ chậm hơn thì khó khăn. Đã đủ điều kiện, căn cứ để mở rộng, bây giờ không triển khai thì sẽ rất khó khăn, sẽ trở thành dự án treo khổng lồ và gây tốn kém nhiều về sau này.

Điều kiện để xây dựng thế trận phòng thủ Thủ đô

Các đại biểu Quốc hội hoạt động trong quân đội còn xem xét đề án mở rộng Thủ đô từ góc độ quốc phòng, an ninh. Đại biểu Nguyễn Khắc Nghiên nhìn nhận: điều chỉnh không gian Thủ đô Hà Nội là điều chỉnh không gian bảo vệ Thủ đô vì mục tiêu trong mọi cuộc chiến tranh đều là đánh chiếm Thủ đô, giải tán bộ máy lãnh đạo tối cao và lật đổ thể chế chính trị. Nhìn lại lịch sử, đồng chí cho biết từ thế kỷ XI đến nay, dân tộc ta đã trải qua 8 cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, có 7 cuộc tiến công trên đường bộ và một cuộc tiến công bằng đường không, nhưng đều đánh vào Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Theo đồng chí, Thủ đô mở rộng sẽ tạo ra được thế mới, lực mới, có thế của núi, của sông và có sức mạnh của nền kinh tế, sức mạnh của lòng dân.

Đại biểu Ngô Văn Hùng cũng khẳng định, việc phát triển Hà Nội về hướng Tây trên tổng thể diện tích của địa giới hành chính mới có đủ điều kiện để chúng ta quy hoạch, kiểm tra, giám sát tổng thể các phân khu chức năng của Thủ đô Hà Nội để phát triển bền vững, đồng thời cũng tạo thuận lợi để xây dựng thế trận phòng thủ, bảo vệ Thủ đô, bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Hà Nội ngày càng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

MẠNH TƯỜNG –HỒNG HẢI và KIM OANH