Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CSB VN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đề cập đến 13 vấn đề lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý, giải trình theo ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Về vị trí, chức năng của CSB VN, UBTVQH cho rằng, quy định “CSB VN là lực lượng vũ trang nhân dân” là sự kế thừa quy định hiện tại; đã thực hiện hơn 20 năm và không có vướng mắc; được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi; phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; làm căn cứ pháp lý xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để CSB VN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, UBTVQH đề nghị giữ như dự thảo luật Chính phủ trình. Đề nghị này nhận được sự ủng hộ của đa số đại biểu phát biểu tại hội trường chiều 5-11.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về hiện đại hóa vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật; chuyển một số chính sách như bảo đảm kinh phí cơ sở vật chất, khuyến khích phát triển tài năng ở các điều khác về điều này. Tuy nhiên, UBTVQH giải trình, điều này cần quy định khái quát, mang tính định hướng nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Về nhiệm vụ của CSB VN, một số ý kiến đề nghị rà soát với các lực lượng khác có chức năng quản lý, tuần tra, kiểm soát, cứu hộ, cứu nạn trên biển để tránh chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; quy định rõ nhiệm vụ chủ trì, phối hợp của CSB VN và sắp xếp lại vị trí các khoản. UBTVQH đã tiếp thu ý kiến này và đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng phân định rõ nhiệm vụ của CSB VN, tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác hoạt động trên biển, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện. Giải trình với các đại biểu Quốc hội vào cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nhấn mạnh lại về việc bảo đảm không có sự chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ.

Về phạm vi hoạt động của CSB VN, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể để tránh chồng chéo với các lực lượng chức năng khác. UBTVQH giải thích, quy định “CSB VN hoạt động trong vùng biển Việt Nam” là kế thừa quy định hiện hành; phù hợp với đặc điểm, tình hình vùng biển Việt Nam, thực tiễn hoạt động của lực lượng CSB VN, đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo trong giai đoạn hiện nay; không bỏ trống vùng biển, bỏ sót, lọt vi phạm, tội phạm. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đã chỉnh lý nội dung Khoản 1, Điều 11: “CSB VN hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này”.

Về nguyên tắc phối hợp, khi thảo luận tại hội trường, một số đại biểu còn băn khoăn, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt giải thích rõ, quy định như dự thảo luật sẽ xử lý được một số vấn đề tồn tại hiện nay, như sự phân bố lực lượng trên biển chưa thực sự hợp lý, phân định rõ chức năng chủ trì của từng cơ quan. Khi phát hiện vi phạm, lực lượng nào phát hiện trước thì bắt giữ, nhưng sau đó phải bàn giao lại cho lực lượng chủ trì để xử lý.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, với 16 đại biểu phát biểu tại hội trường, các ý kiến về cơ bản đều tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH. Các ý kiến cho rằng, dự thảo luật đã thể hiện sự tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Sau phiên họp, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo luật và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong phiên họp sáng 20-11.

* Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nghe Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Sau phần thảo luận, Quốc hội nghe Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình, làm rõ 3 nội dung đại biểu nêu về đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP, về vấn đề lao động và việc sửa đổi các luật liên quan.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Chính phủ cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cử tri cả nước thấy được sự tin cậy của bạn bè quốc tế đối với nước ta trong việc tham gia hiệp định. Điều đó thể hiện kết quả của công cuộc đổi mới, cải cách nền hành chính quốc gia Việt Nam, khẳng định chúng ta đủ lực, đủ tâm thế để tham gia Hiệp định CPTTP.

* Nửa sau buổi sáng hôm qua, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đều nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thời gian thí điểm được kéo dài không quá hai năm, kể từ ngày 1-2-2019, đồng thời nêu ra một số vấn đề cụ thể và đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn.

Sau đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Quốc hội cho phép quy định nội dung này trong nghị quyết chung của kỳ họp.

Ngày 6-11, Quốc hội tiếp tục làm việc.

CHIẾN THẮNG