Tại trại trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật đang được chăm sóc nhiệt tình nhưng đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: HỒNG ANH

Chiến tranh đã lùi xa hơn ba chục năm, nhưng nỗi đau da cam/đi-ô-xin vẫn còn đeo bám đối với nhiều người dân Việt Nam. Chính vì vậy, chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và thân nhân của họ là trách nhiệm của toàn xã hội.

Trẻ em bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin đang phải sống khó khăn: Hiện nay, cả nước có hàng vạn em nhỏ bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin. Hầu hết các em đang được nuôi dưỡng trong những trại trẻ mồ côi. Tại đây các em được những người mẹ thứ hai chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng cuộc sống cũng trăm bề thiếu thốn. Các cô giáo tại Trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn và trẻ mồ côi tàn tật ở Ba Vì cho biết: “Nuôi trẻ lành lặn vất vả một, thì nuôi trẻ em bị tàn tật, nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin khổ gấp mười lần. Số tiền trợ cấp ít ỏi của Nhà nước và sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm cũng chỉ phần nào giúp các em được ăn no, còn thuốc men lúc ốm, khi đau thì…? Em Nguyễn Mười, một trong 4 nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin sang Mỹ năm 2007 tâm sự: “Em thích học ngành kiến trúc, nhưng bệnh tật của em nặng quá, nhà lại nghèo, lo tiền thuốc còn khó khăn nữa là đi học”.

Nghe Mười tâm sự mà tôi thấy nghèn nghẹn, cay cay… ở mắt. Một ước mơ nhỏ bé nhưng với Mười nó vợi xa. Thiết nghĩ, những mảnh đời “không tròn” này rất cần sự chăm lo, giúp đỡ của toàn xã hội để bù đắp phần nào những mất mát mà các em đang phải gánh chịu”.

PHẠM THÚY HỒNG

(thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội)

Chăm lo các gia đình có người thân bị nhiễm chất độc da cam: Theo số liệu thống kê của ngành y tế, sức khỏe của phần lớn những người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin rất yếu, ốm đau liên miên. Chính vì vậy, các gia đình có người thân bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin đều thuộc diện hộ nghèo. Chăm lo cho các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin… là đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta và luôn được các địa phương quan tâm. Nhiều địa phương có những cách làm hay như: Động viên các doanh nghiệp nhận đỡ đầu, đóng góp tiền bạc giúp đỡ hay tổ chức dạy nghề cho thân nhân người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin… Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các địa phương đã phần nào xoa dịu nỗi đau về thể chất, tinh thần cho các nạn nhân da cam/đi-ô-xin.

NGUYỄN QUỐC HƯNG

(xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)

 

Cần có chính sách cụ thể: Tạo điều kiện cho các gia đình có người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống là trách nhiệm của toàn xã hội. Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần có một chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho các gia đình này có một nghề ổn định, có thu nhập… Trước đây, một số địa phương đã tổ chức dạy nghề cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Bởi một lẽ, những người này rất hạn chế về thể lực cũng như trí tuệ. Theo ý kiến của chúng tôi, các cơ quan chức năng, các địa phương nên nghiên cứu áp dụng chính sách tạo việc làm cho thân nhân những người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin để họ có một nghề nghiệp ổn định, có thu nhập. Có như vậy họ mới có điều kiện chăm lo cho người thân của mình. Cùng với việc làm trên, Nhà nước cần có một chính sách ưu đãi đặc biệt hỗ trợ cho vay vốn (không tính lãi) để các gia đình này có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh sớm ổn định cuộc sống...

ĐỖ THANH HẢI

(xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)

 

Quyết tâm đòi công lý: Ngày 2-3-2009, Tòa án tối cao Hoa Kỳ công bố quyết định từ chối đơn của Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và các nạn nhân đề nghị xem xét lại phán quyết phi lý của các Tòa cấp dưới. Rõ ràng, phía Hoa Kỳ không chịu thừa nhận tội ác dã man mà họ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam. Họ không chịu hiểu hay cố tình không thừa nhận hành vi tội ác của mình? Tại sao chính phủ Hoa Kỳ đã bồi thường cho binh lính của họ mà lại phớt lờ nỗi đau của một dân tộc khác? Hành động này của Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã bị cộng đồng quốc tế phản đối.

Hàng trăm triệu người có lương tri trên toàn thế giới và hơn 80 triệu người dân Việt Nam đang lên án gay gắt phán quyết sai lầm, bất công của tòa án Hoa Kỳ. Cuộc đấu tranh giành công lý của VAVA không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc đòi bồi thường về vật chất mà còn là sự thức tỉnh lương tri thế giới. Do vậy, VAVA cần kiên trì và đẩy mạnh cuộc đấu tranh này bằng nhiều hình thức cho đến khi công lý thắng lợi.

TRẦN DUY MINH

(Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên)