Sáng 23-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao (KCN) Hòa Lạc và dự Lễ khánh thành nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart. Cùng tham dự có các đồng chí: Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng...
Báo cáo kết quả nổi bật của ngành Khoa học và Công nghệ, trong đó có kết quả xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, tính đến nay, tại Khu CNC Hòa Lạc đã có 90 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 85.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư 6.895 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn hàng đầu ở trong nước và quốc tế đã có mặt tại Khu CNC Hòa Lạc như: Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản), Trung tâm Nghiên cứu và kiểm thử DT&C (Hàn Quốc), Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Công ty FPT, Tập đoàn Vingroup...
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh Vinsmart. |
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đang trao đổi để thu hút một số dự án đầu tư của một số đơn vị tiềm năng, có tính khả thi cao trong nước và nước ngoài đầu tư vào Khu Nghiên cứu và Phát triển, Khu Công nghiệp CNC với tổng vốn đầu tư đăng ký dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng...
Đại diện các nhà đầu tư, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, Tập đoàn Vingroup lựa chọn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để đầu tư Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh Vinsmart với tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm. Giai đoạn I của tổ hợp Nhà máy có công suất thiết kế lên tới 26 triệu thiết bị/năm với sản phẩm điện thoại di động thông minh, thiết bị IoT ước tính 1 triệu sản phẩm/năm và các thiết bị điện tử thông minh khác…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, riêng Quốc hội đã ban hành 8 đạo luật chuyên ngành thông qua đó đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ. Việc xây dựng và phát triển các trung tâm công nghệ cao, các đô thị cho phát triển khoa học công nghệ là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm nâng cao năng lực nội sinh về khoa học công nghệ. Từ đây sẽ có thể xuất hiện các phát minh, sáng chế mang thương hiệu quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá việc thu hút đầu tư các tập đoàn lớn trên thế giới (như Hanwha, Nidec, Nissan Techno...) và các tập đoàn lớn trong nước (như Vingroup, FPT, VNPT, Viettel...) cho thấy, Khu CNC Hoà Lạc đã định hình và đang đón nhận những tín hiệu tốt về công tác thu hút đầu tư.
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi lễ. |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư đã có sự hợp tác chặt chẽ để giúp nơi đây trở thành cái nôi ươm mầm cho sự phát triển các dự án CNC, trở thành điểm đến hấp dẫn và đáng tin cậy cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện cho Khu CNC Hòa Lạc bước vào giai đoạn bứt phá trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư, tôi có một số lưu ý như sau: Thứ nhất, việc thu hút và triển khai các dự án đầu tư phải bám sát các chỉ đạo tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động thu hút đầu tư. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng phương án đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, có kế hoạch tăng cường năng lực phát triển Khu CNC Hòa Lạc về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động phát triển công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để Khu CNC Hòa Lạc thực sự trở thành trung tâm phát triển công nghệ của đất nước và khu vực - nơi xuất phát của nhiều ý tưởng khoa học công nghệ trí tuệ, sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng, tạo sức cạnh tranh của công nghệ Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tham quan nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh Vinsmart. |
Thứ ba, đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Khu CNC Hòa Lạc có kế hoạch phát triển, đầu tư sáng tạo, mở rộng sản xuất, ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến, hiện đại; chủ động, tích cực tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam; sớm đưa ra thị trường những sản phẩm công nghệ có chất lượng, nâng tầm giá trị thương hiệu và niềm tự hào sản phẩm Việt Nam, đóng góp hiệu quả theo định hướng đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc có giải pháp thu hút nhân tài, đưa Hòa Lạc trở thành điểm đến hấp dẫn, uy tín và thân thiện với giới khoa học công nghệ trong nước và trên thế giới.
Thứ tư, Khu CNC Hòa Lạc phải là “một trung tâm đào tạo” nguồn nhân lực công nghệ bậc cao cho đất nước. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động và phát triển, Khu CNC cần đề xuất những chính sách mới mang tính đột phá về phát triển khoa học, công nghệ.
Với những tiền đề, điều kiện phát triển ngày càng thuận lợi, tôi tin tưởng rằng Khu CNC Hòa Lạc sẽ là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam dựa trên đổi mới và sáng tạo để đưa đất nước chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về những đề xuất, kiến nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao các cơ quan của của Quốc hội phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tháo gỡ để có thể tạo những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc. Trước mắt, tôi đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực thi thật tốt Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 với nhiều quy định giúp đẩy mạnh việc gắn kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức trung gian, qua đó nâng cao hiệu quả thương mại hóa công nghệ, thu hút các thành phần tham gia thị trường khoa học và công nghệ.
Cũng trong sáng nay, diễn ra lễ khánh thành Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh Vinsmart giai đoạn 1. Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart có diện tích gần 14,8ha, tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm. Trong đó, giai đoạn 1 của Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 4,8ha với mặt bằng khu sản xuất là 45.200m2, quy hoạch thành các phân khu sản xuất bảng mạch điện tử, sản xuất điện thoại cùng hệ thống các Viện Nghiên cứu độc lập.
Công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt hơn 26 triệu thiết bị/năm, cụ thể Điện thoại thông minh ước tính 23 triệu sản phẩm/năm, Thiết bị IoT ước tính 1 triệu sản phẩm/năm và thiết bị điện tử thông minh khác ước tính trên 2 triệu sản phẩm/năm.
Khi đi vào hoạt động, tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart sẽ có quy mô hiện đại hàng đầu khu vực với hệ thống dây chuyền được nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, đảm bảo quy trình hoàn toàn khép kín, tự động hóa ở mức tối đa và đạt hiệu năng cao. Các sản phẩm cũng được kiểm thử 100% bằng máy móc, đem lại tính chính xác và độ ổn định cho toàn bộ sản phẩm.
Đặc biệt, VinSmart đã mời các đối tác từ Mỹ, châu Âu, Nga đánh giá toàn diện về tiêu chuẩn của nhà máy, từ dây chuyền thiết bị, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, hệ thống quản lý công nghệ thông tin. Do vậy, Công ty không chỉ sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Vsmart mà còn hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng các đơn đặt hàng trên toàn cầu.
Ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng tối tân bậc nhất, VinSmart cũng quy tụ hàng trăm kỹ sư, nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm cao cấp, dày dạn kinh nghiệm về làm việc tại các Viện Nghiên cứu độc lập. Dự kiến năm 2020, Viện Thiết bị viễn thông sẽ cho ra đời sản phẩm 5G đầu tiên, đón đầu tiến trình thương mại hóa mạng 5G.
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Viettel và Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc. |
Tại sự kiện, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với mục đích thúc đẩy sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc và đáp ứng nhu cầu đầu tư, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của Viettel.
Theo thoả thuận hợp tác chiến lược, quý 1-2020, Viettel sẽ khởi công xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp CNC trên diện tích 9,1ha tại Khu CNC Hòa Lạc. Đây sẽ trở thành trung tâm thử nghiệm, sản xuất thiết bị công nghệ cao của Viettel. Tiếp theo đó, Viettel cũng sẽ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Viettel trên diện tích 13,2ha. Đây được coi là khu nghiên cứu R&D quy mô lớn, là vườn ươm cho những dự án trọng điểm của Viettel như các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, thiết bị điện tử viễn thông, hạ tầng mạng 5G, IoT...
Cũng theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, Viettel sẽ hỗ trợ, phối hợp với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc phát triển các ứng dụng liên quan đến thành phố thông minh như quản lý môi trường, chiếu sáng đô thị, bãi đỗ xe thông minh, quản lý giao thông, giám sát an ninh, thông tin trực tuyến, tổng đài hỗ trợ…, công nghệ Internet vạn vật (IoT) và các công nghệ cao khác mà Viettel có lợi thế. Trước mắt thực hiện thí điểm tại Ban quản lý và các dự án đầu tư của Viettel, tiến tới phát triển rộng ra toàn bộ Khu CNC Hòa Lạc.
Ngoài ra, Viettel sẽ hỗ trợ các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; trình diễn công nghệ, các cuộc thi về IoT…; giới thiệu các chuyên gia tư vấn công nghệ trong các hoạt động liên quan.
Tin, ảnh: VĂN PHONG - LA DUY