Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nghị viện hai nước

Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tựu của Ethiopia trong việc duy trì ổn định chính trị, phát triển đất nước, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao hàng đầu của châu lục trong hơn 10 năm qua, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Nghị viện Ethiopia trong việc xây dựng môi trường đoàn kết, thống nhất đất nước, góp phần duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Ethiopia; đề nghị Thượng viện Ethiopia tích cực ủng hộ và khuyến khích các chính sách mở cửa của chính phủ Ethiopia, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Ethiopia trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm, như: Nông nghiệp, thương mại, viễn thông, hàng không, xây dựng thủy điện vừa và nhỏ…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến Chủ tịch Thượng viện Ethiopia Keria Ibrahim. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, Việt Nam đã triển khai hợp tác về nông nghiệp với một số nước châu Phi như: Guinea, Benin, Mozambique, Angola... và đã đạt những thành công đáng khích lệ, được bạn bè châu Phi đánh giá cao; đề nghị hai bên xem xét triển khai mô hình hợp tác ba bên về nông nghiệp hoặc theo mô hình đối tác công tư (PPP) có sự tham gia của các doanh nghiệp. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ethiopia kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Về hợp tác liên nghị viện, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan nghị viện hai nước thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi đoàn các cấp, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt giữa các ủy ban của hai Quốc hội nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát, đồng thời tăng cường vai trò của hai Quốc hội trong việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận mà hai nước đã ký, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Hai bên cho rằng, tuy xa cách về địa lý nhưng Việt Nam và Ethiopia có nhiều điểm tương đồng, đều là quốc gia đang phát triển, với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và quyết tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Thượng viện Keria Ibrahim nhất trí cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan nghị viện hai nước nhằm góp phần nâng cao quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, để tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Chủ tịch Thượng viện Keria Ibrahim thăm chính thức Việt Nam và bà Keria Ibrahim đã vui vẻ nhận lời.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đã đi thăm Bảo tàng quốc gia Ethiopia.

Việt Nam coi trọng quan hệ với các quốc gia châu Phi

* Chiều 24-8, theo giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm trụ sở Liên minh châu Phi và có buổi hội kiến với Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, bà Amira Elfadil Mohammed Elfadil.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ với các nước châu Phi-hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 53/55 nước châu Phi; chúc mừng thành công của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi tháng 6-2018 vừa qua với việc thông qua thành lập Khu vực Thương mại tự do châu Phi; đồng thời đánh giá cao quyết tâm của các nước thành viên Liên minh châu Phi đẩy mạnh cải cách liên minh theo hướng hiệu quả, thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết giữa các nước để cùng phát triển Liên minh châu Phi thành một cộng đồng thống nhất, hùng mạnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của Liên minh châu Phi trong các hoạt động bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở châu lục và trên thế giới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các nước đang phát triển như các nước châu Phi và Việt Nam đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau để tăng cường hơn nữa tiếng nói và vai trò ảnh hưởng tại các cơ chế đa phương, như tại Liên hợp quốc, trong Phong trào Không liên kết và khuôn khổ hợp tác Nam-Nam; đề nghị các nước châu Phi ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã gửi các sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Amira Elfadil Mohammed Elfadil cho rằng, mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, kim ngạch thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Phi vẫn còn rất khiêm tốn. Do đó, để thúc đẩy hợp tác với châu Phi, hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ để triển khai hợp tác đồng bộ, quy mô lớn với khu vực cũng như để tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế cùng bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ nghiên cứu mô hình hợp tác hiệu quả, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc, phát triển nông nghiệp, giáo dục, hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, viễn thông… vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước châu Phi, góp phần vào phát triển và thịnh vượng ở mỗi khu vực cũng như trên thế giới.

* Kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ethiopia, nhận lời mời của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Arab Ai Cập từ ngày 25 đến 29-8.

Tham gia đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đến Cộng hòa Arab Ai Cập có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham gia đoàn còn có Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến, Trợ lý Chủ tịch nước Trần Quang Tiệp.

TTXVN