Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Năm 2022, ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới gần 87.000 vụ án hình sự, tăng 2,4% so với năm 2021. Toàn ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết gần 145.000 nguồn tin về tội phạm; ban hành gần 120.000 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, yêu cầu khởi tố 568 vụ án, ra quyết định hủy 83 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án không đúng pháp luật… Ngoài ra, Cơ quan điều tra Kiểm sát nhân dân tối cao đã đạt và vượt tất cả chỉ tiêu trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra khám phá các loại tội phạm. Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 89% (vượt 29% so với chỉ tiêu)… Đặc biệt, trong năm, số vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện, khởi tố tăng nhiều nhất, trong đó nhiều vụ án được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao như: Vụ án Việt Á, vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, Tập đoàn FLC, Công ty Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

leftcenterrightdel

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong năm 2022, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực phối hợp thực hiện tốt vai trò tham mưu với Đảng, Quốc hội trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung; trong tham gia xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” nói riêng; đã phối hợp hiệu quả với các cơ quan hữu quan trong xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các luật về tư pháp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Chủ tịch nước đánh giá cao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án trọng điểm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ; nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả thiệt hại, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và các địa phương triển khai thực hiện tốt Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá trong năm 2022, không để xảy ra sai sót, sai phạm, được dư luận trong nước, quốc tế đánh giá cao về chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người bị kết án phạt tù. Viện đã phối hợp với các cơ quan liên quan, ký kết, đàm phán với các nước về Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, phục vụ thiết thực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống và việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế có yếu tố nước ngoài.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Hội nghị triển khai công tác ngành kiểm sát nhân dân năm 2023. 

Chủ tịch nước đánh giá, những kết quả của ngành Kiểm sát nhân dân đã góp phần rất quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh theo tinh thần, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Ngành Kiểm sát nhân dân trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những hạn chế như chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ở một số đơn vị chưa cao; vẫn còn tình trạng đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm; còn tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung ở các cơ quan tố tụng. Công tác kiểm sát lĩnh vực hành chính, kinh doanh, thương mại vẫn còn một số hạn chế, chỉ tiêu kháng nghị giám đốc thẩm dân sự chưa đạt theo Nghị quyết của Quốc hội...

Để phát huy những kết quả tích cực đã đạt được và khắc phục hạn chế còn tồn tại, Chủ tịch nước yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; trong đó có nhiệm vụ “Hoàn thiện thể chế để Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".

leftcenterrightdel
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ngành kiểm sát nhân dân. Ảnh: VGP

Ngành Kiểm sát nhân dân cũng cần tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính phủ, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước trong nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá; xét đơn xin ân giảm án tử hình; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tồn đọng hồ sơ xin ân giảm án tử hình hiện nay. Đây là những việc có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định, cần quan tâm thực hiện cho tốt.

Chủ tịch nước tin tưởng ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần ”Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

TTXVN