* Điều kiện để tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh
QĐND - Đọc vệt bài “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ở Thanh Hóa”, tôi hết sức đồng tình với 4 vấn đề mà Báo Quân đội nhân dân đã đề cập. Đó không chỉ là 4 vấn đề trọng tâm được Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, mà còn là bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng ở Thanh Hóa thời gian qua. Có thể nói, 5 năm qua, các chính sách về thu hút đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ sản xuất góp phần rất quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của Thanh Hóa phát triển toàn diện và vững chắc. Kinh tế phát triển không chỉ nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh, mà còn là điều kiện để củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh (QP-AN), chăm lo tốt hơn đời sống của cán bộ, chiến sĩ LLVT.
 |
Để đạt được kết quả trong thực hiện nghị quyết của Đảng như Báo Quân đội nhân dân đã phản ánh, trong triển khai thực hiện, cấp ủy các cấp ở Thanh Hóa luôn đặc biệt chú trọng đến việc quán triệt, nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của mỗi đơn vị, địa phương. Đối với lĩnh vực QP-AN, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát huy mọi nguồn lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng tỉnh, thành phố, khu vực phòng thủ vững chắc về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và QP-AN. Theo đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy xác định các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng. Chính quyền các cấp đã huy động mọi nguồn lực, đầu tư ngân sách xây dựng những công trình quân sự trọng điểm, mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của LLVT địa phương; đồng thời tập trung chỉ đạo làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, nhất là cán bộ chủ trì; quan tâm chăm lo xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh; xây dựng cơ sở xã, phường, cụm an toàn làm chủ, SSCĐ; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và các chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương.
Với quan điểm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, Thanh Hóa đã từng bước quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương tỉnh, huyện; đồng thời xác định đúng các mục tiêu, khu vực trọng yếu về QP-AN... Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tham gia khảo sát, thẩm định và giám sát việc triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội có liên quan đến công trình quốc phòng và khu vực có giá trị về quân sự. Vì vậy, các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tổng thể của tỉnh và các ban, ngành, địa phương đều thể hiện rõ việc kết hợp giữa kinh tế-xã hội với QP-AN.
Chính từ sự quan tâm trên, 5 năm qua, tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn Thanh Hóa luôn được giữ vững. Đó là điều kiện để Thanh Hóa phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với tăng cường củng cố thế trận, tiềm lực QP-AN trong tình hình mới.
Đại tá VŨ XUÂN HÙNG, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa
* Chọn vấn đề trọng tâm, then chốt để tập trung lãnh đạo
Trong vệt bài “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ở Thanh Hóa” đăng trên Báo Quân đội nhân dân vừa qua, chúng tôi cho rằng, việc xác định những vấn đề trọng tâm, then chốt để tập trung sức lãnh đạo, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội đã được nhiều địa phương ở Thanh Hóa triển khai thực hiện là cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực. Cách làm này thể hiện sự chủ động, sáng tạo trong triển khai, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn địa phương. Đây là cách lựa chọn đúng, trúng, sát thực tiễn trong việc ra nghị quyết lãnh đạo, nhằm phát huy tốt thế mạnh, lợi thế của mỗi địa phương trong từng lĩnh vực, thậm chí từng nhiệm vụ. Mặt khác, cách làm này cũng đã khắc phục được tình trạng triển khai nghị quyết của Đảng theo kiểu sao chép, rập khuôn máy móc…
 |
Cũng giống như cách làm của tỉnh Thanh Hóa, trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, chính quyền huyện Cát Hải cũng hết sức quan tâm lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, then chốt để tập trung lãnh đạo. Điều này giúp địa phương phát huy tốt lợi thế, tiềm năng, khắc phục được những vấn đề còn hạn chế, yếu kém để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Cát Hải là một huyện đặc thù của TP Hải Phòng, có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch và kinh tế biển. Vì vậy, việc lựa chọn vấn đề trọng tâm, then chốt để ban hành nghị quyết lãnh đạo cũng được Đảng bộ Cát Hải hết sức quan tâm. Về mặt chiến lược lâu dài, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-TU về xây dựng và phát triển huyện Cát Hải đến năm 2020. Trước mắt, để huyện Cát Hải trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ, cảng biển, nuôi trồng thủy sản hiện đại, văn minh, Huyện ủy đã lựa chọn tập trung vào một số khâu đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; trong đó, chú trọng việc khai thác tối đa công năng và lợi thế khi cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và tuyến đường giao thông Tân Vũ-Lạch Huyện đưa vào khai thác, sử dụng. Huyện cũng huy động tối đa các nguồn lực và lợi thế so sánh của địa phương để phát triển du lịch, phấn đấu đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng thành công thương hiệu du lịch “Cát Bà xanh”; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế biển và ngành du lịch, dịch vụ…
NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải, TP Hải Phòng
* Phát huy lợi thế vùng miền trong phát triển kinh tế
Phát huy lợi thế vùng miền trong phát triển kinh tế là một chủ trương được cấp ủy các cấp ở Thanh Hóa triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả cao. Trong vệt bài viết "Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ở Thanh Hóa", Báo Quân đội nhân dân đã nêu bật được kết quả, kinh nghiệm thực hiện chủ trương trên của Thanh Hóa. Phát huy thế mạnh vùng miền trong phát triển kinh tế không những bảo đảm để địa phương phát triển một cách vững chắc, mà còn tạo việc làm ổn định cho người dân. Ở huyện Ngọc Lặc nói chung, xã Ngọc Sơn nói riêng, triển khai chủ trương trên của tỉnh, cấp ủy các cấp đã rất linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Ví dụ, đối với Ngọc Lặc, thực hiện chủ trương đẩy mạnh thâm canh 4 cây trồng chủ lực trên địa bàn (lúa, mía, luồng, cao su) không chỉ phát huy được thế mạnh, mà còn tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Chẳng hạn, đối với chủ trương phát triển cây lúa, trên cơ sở thực hiện tốt việc dồn điền, đổi thửa, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Sơn đã tập trung chỉ đạo, vận động người dân tổ chức gieo trồng những loại lúa cho năng suất cao, khả năng chống sâu bệnh tốt; cùng với đó đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất. Theo đó, năng suất lúa bình quân hiện nay trong thôn Linh Sơn đạt gần 60 tạ/ha.
 |
Hoặc trong triển khai thực hiện đẩy mạnh phát triển cây mía, Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch thành những vùng mía nguyên liệu theo hướng chuyển diện tích mía đất đồi có độ dốc cao sang trồng cao su hoặc cây lâm nghiệp; chuyển đổi diện tích trồng lúa trên đất một lúa một màu và đất hai lúa hiệu quả thấp sang trồng mía; ưu tiên xây dựng vùng mía tập trung công nghệ cao tại các vùng có điều kiện đất đai phù hợp, có khả năng cung cấp nước tưới và thuận lợi cho việc áp dụng các biện pháp cơ giới hóa vào sản xuất. Nhờ vậy, sản lượng cây mía hằng năm từng bước được nâng cao, ước đạt 60 tấn/ha.
Từ thực tiễn ở địa phương, chúng tôi đủ điều kiện để khẳng định chủ trương của tỉnh, của huyện trong việc phát huy lợi thế vùng miền để phát triển kinh tế đã thực sự mang lại hiệu quả cao. Đó chính là bước cụ thể hóa nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở Thanh Hóa nói chung và ở xã Ngọc Sơn của chúng tôi nói riêng.
BÙI VĂN HÙNG, Bí thư Chi bộ thôn Linh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa
* Nông dân rất cần được tư vấn, hỗ trợ
Nhiều năm qua, tôi thường xuyên đọc Báo Quân đội nhân dân. Vừa qua, tôi và nhiều nông dân trong xã đã nghiên cứu rất kỹ nội dung 4 bài viết trong vệt bài “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ở Thanh Hóa” đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Không chỉ cá nhân tôi mà nhiều người dân quê tôi rất đồng tình với cách làm của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa. Theo đó, Thanh Hóa có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể trong hỗ trợ người nông dân về cơ chế, chính sách, nguồn vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, như: Tạo cơ chế để nông dân có điều kiện được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp; hỗ trợ kinh phí để khuyến khích các hộ gia đình đầu tư, ứng dụng công nghệ, trang bị kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện về diện tích mặt bằng để nông dân mở rộng quy mô sản xuất và phát triển chăn nuôi, liên doanh với các doanh nghiệp để phát triển mô hình mới... Tôi cho rằng, cách làm này rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng không chỉ của nông dân Thanh Hóa mà của đại đa số nông dân cả nước.
 |
Hiện nay, đa số nông dân chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn ở tất cả các khâu trong quá trình tham gia sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi. Tôi cho rằng, nếu địa phương nào cũng làm được như Thanh Hóa sẽ giúp người nông dân từng bước khắc phục được những khó khăn lớn hiện nay là: Thiếu vốn sản xuất; thiếu sự tư vấn về kỹ thuật; giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi. Thực tế, trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân hiện nay đang gặp khó khăn với “cái vòng luẩn quẩn” là: Có nguyện vọng gắn bó với ruộng đồng nhưng thiếu vốn sản xuất; có vốn sản xuất thì lại thiếu sự tư vấn về kỹ thuật, gặp khó khăn về diện tích mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất; khi có sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi thì gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.
Ở địa phương chúng tôi hiện nay, mặc dù điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; nhiều hộ gia đình có nguyện vọng mở rộng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng hiện đại, quy mô lớn, ứng dụng trang bị, công nghệ mới nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ cách làm của Thanh Hóa và thực tế nhiều năm tham gia sản xuất nông nghiệp, chúng tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp cần quan tâm tư vấn, hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ nguồn vốn; bảo đảm đầu ra cho sản phẩm… Làm tốt những vấn đề này, chắc chắn sẽ cải thiện tốt đời sống nông dân, để chúng tôi yên tâm gắn bó với ruộng đồng, xây dựng nền nông nghiệp phát triển.
NGUYỄN VĂN DŨNG, Thôn Phú Mỹ, xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội
Cán bộ tốt - Dân đồng thuận
Bài 1: Công khai, dân chủ trong công tác cán bộ
Bài 2: Xác định trọng tâm, tập trung lãnh đạo
Bài 3: Tạo cơ chế để khuyến khích phát triển
Bài 4: Sức mạnh từ sự đoàn kết, đồng thuận