QĐND - Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ đã được nhiều nhà sử học Mỹ nghiên cứu và biên soạn rất công phu. Năm 2009, một sử gia nổi tiếng của Mỹ cho xuất bản công trình nghiên cứu mới về cuộc chiến tranh Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu với độc giả một trích đoạn về chiến dịch ném bom Linebacker II vào dịp lễ Giáng sinh 1972, trích từ cuốn “VIỆT NAM-LỊCH SỬ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH KHÔNG THỂ THẮNG 1945-1975” của tác giả John Prados (VietNam, The History of an Unwinnable War, 1945-1975), xuất bản năm 2009.

Sự chuẩn bị cho “12 ngày đêm”

Chiến dịch ném bom mùa Giáng sinh 1972 của Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng bắt đầu từ 18-12 đến 30-12. Ngày đầu tiên đã có 129 lần xuất kích của máy bay chiến lược B-52, với sự hộ tống của rất nhiều máy bay cường kích-oanh tạc và các loại máy bay chi viện A-6 của Hải quân Mỹ. Chiếc máy bay ném bom dẫn đường do phi công đại úy Hal Wilson điều khiển, báo cáo về việc họ đang gặp phải một loạt hàng rào tên lửa SAM (đất đối không) của quân đội Bắc Việt. Ngay đêm đó, máy bay B-52 của đại úy phi công Hal Wilson là một trong ba chiếc B-52 bị bắn rơi tại trận, vì Hà Nội đã chuẩn bị đối phó từ trước. Ngay từ đầu năm 1968, một lần đến thăm Sở chỉ huy của Lực lượng Phòng không, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán Mỹ sẽ cho B-52 tấn công Hà Nội một ngày nào đó trong tương lai. Quân ủy Trung ương của quân đội Bắc Việt đã thông suốt dự đoán đó và đã giao nhiệm vụ cho các chuyên gia quân sự nghiên cứu cách đánh B-52. Ngay từ chiến dịch Đông-Xuân đầu năm 1972, tướng Võ Nguyên Giáp đã có chỉ thị việc chuẩn bị cụ thể và cho bộ đội bắt đầu việc huấn luyện. Ngày 24-11-1972, tướng Văn Tiến Dũng đã trình bày kế hoạch tác chiến của Lực lượng Phòng không - Không quân và ra lệnh mọi việc phải hoàn thành đúng ngày 3-12. Ngay từ ngày đó, thị trưởng Hà Nội bắt đầu cho thường dân sơ tán khỏi thành phố.

Chuẩn bị tên lửa cho chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

 

Sáng ngày 18-12, trong cuộc giao ban hằng ngày của Bộ Tổng tham mưu đã báo cáo có một tình hình rất đặc biệt, báo trước sẽ có sự việc bất thường sắp xảy ra là có hiện tượng hoạt động của B-52 ngừng hẳn trên toàn miền Nam, đồng thời với việc bộ phận thu tin bắt được một bản tin vô tuyến điện của một máy bay trinh sát thời tiết của Mỹ bay qua bầu trời Hà Nội báo cáo về Sở chỉ huy tình hình thời tiết vùng trời ở đây. Lực lượng phòng không được báo động sẵn sàng chiến đấu. Chỉ sau chốc lát, 7 giờ tối hôm đó, tướng Giáp được tin báo B-52 đã cất cánh từ đảo Guam và Thái Lan. Số máy bay cất cánh từ Thái Lan được phát hiện bay dọc theo sông Mê Công ra hướng Bắc. Chưa đến một giờ sau, tướng Giáp nhận được báo cáo, một chiếc B-52 đã bị bắn hạ do một đơn vị của Trung đoàn Tên lửa 261. Cuộc ném bom đã thực sự bắt đầu.

Trong 12 ngày đêm, Bắc Việt Nam đã thực hiện tất cả những gì họ có thể làm để chống lại quân địch-bắn hàng loạt tên lửa SAM, đưa máy bay tiêm kích vào hoạt động, thậm chí có một máy bay tiêm kích đã lao thẳng vào tấn công B-52. Theo tin phía Mỹ, đã có 15 chiếc B-52 bị bắn hạ, 9 chiếc khác bị bắn hỏng, phần lớn số này thuộc loại mới cải tiến, B-52G, mặc dù loại này được thiết kế để sử dụng trong tác chiến tấn công bằng vũ khí nguyên tử nhằm đối phó với Lực lượng Phòng không của quân đội Liên Xô, nhưng loại này lại kém hiệu quả thua loại B-52D về trang bị chống nhiễu điện tử đang sử dụng. Có 7 máy bay chiến thuật bị bắn rơi trong số 640 lần xuất kích. Thiệt hại của Mỹ về người: Có 39 phi công phải vào trại giam của Hà Nội, 35 nhân viên phi hành đoàn tử trận và mất tích. Tổng cộng có 795 lần B-52 xuất kích, đã ném xuống 15.000 tấn bom đạn, chưa kể số bom đạn các loại máy bay nhỏ hơn sử dụng. (Lưu ý các số liệu này được trích trong cuốn sách và theo nguồn của tác giả cuốn sách - người dịch)

Tiếng nói của những người Mỹ có lương tri

Trong số những yếu tố làm tăng thêm tình trạng phẫn nộ về mặt chính trị đối với cuộc ném bom trong mùa Giáng sinh 1972 là những lời lên án máy bay Mỹ đã giết hại thường dân và gây ra những hậu quả khác mà các quan chức Mỹ nói cho nhẹ bớt đi là “thiệt hại phụ liên đới”. Tin về Bệnh viện Bạch Mai bị bom tàn phá ở vùng ngoại ô Hà Nội và một nơi gần kề được truyền đi tràn lan. Không quân tìm cách cải chính là họ đã thực hiện các cuộc công kích rất đúng mục tiêu.

Một số người Mỹ có thể nói thẳng ra việc này, trong đó có Barry Romo của Tổ chức Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam chống chiến tranh (VVAW). Romo đã cùng nữ danh ca Mỹ Joan Baez và cựu công tố viên Tòa Án Nuremberg xử tội phạm chiến tranh phát xít Đức khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai là Telford Taylor đã sang Việt Nam ngay lúc cuộc ném bom bắt đầu.

Từ sân bay Phúc Yên lên xe đi về phía Nam, họ dừng xe tại làng Đức Nội. Họ được dân làng và các em học sinh ở trường địa phương ra chào đón. Những người khách Mỹ mới đến Việt Nam lần đầu rất ngạc nhiên làm sao các nông dân ở địa phương lại nhận ra số khách này không phải là người Nga. Một nông dân nói: “Người Nga có mặc quần jeans xanh và mang đàn guitar đâu?”. Phía bên kia một bức tường đá là một khoảng đất rộng ngổn ngang đường ray xe lửa đã bị bom phá nát một phần. Telford Taylor chỉ vào các hố bom, nói với Romo: "Thấy không? Thành công ném bom chính xác trúng mục tiêu đấy". Đoàn khách tiếp tục đi về phía Hà Nội, nơi cuộc thăm của họ sẽ kết thúc. Những ngày sau đó, nhiều lần họ phải chạy xuống hầm ẩn nấp khi có bom rơi, ban ngày họ đến khu Bệnh viện Bạch Mai và một số nơi bị bom tàn phá nặng nề. Nữ ca sĩ Baez dành phần lớn thời gian vừa hát vừa chơi guitar. Còn Taylor chốc chốc lại tu một ngụm rượu. Họ rời khỏi Hà Nội lúc quân Mỹ tạm ngừng ném bom trong ngày lễ Giáng sinh. Đoàn khách Mỹ lại đi qua làng Đức Nội để ra sân bay. Bây giờ thì cả làng Đức Nội đã bị xóa sổ hoàn toàn, các bức tường đá cũng biến mất, không để sót lại một thứ gì trừ cảnh đổ nát tan hoang và những xác dân làng bị tàn sát vì bom Mỹ. Cựu chiến binh Romo không nói được gì nhưng anh nhìn thấy nước mắt ứ đầy trong hai mắt của Telford Taylor.

Nhiều tháng sau, khi trở về nước, trong các buổi nói chuyện trước công chúng, Taylor không ngớt lời tố cáo quân đội Mỹ đã có những hành động dã man tàn bạo trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông nói đến vụ Mỹ Lai và các vụ khác. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến sự vi phạm luật chiến tranh của Mỹ trong việc ném bom tàn bạo không phân biệt đối với các mục tiêu dân sự ở Bắc Việt Nam…

Không chịu đựng nổi thiệt hại

Lực lượng Bắc Việt tin tưởng rằng họ đã tiêu diệt được 31 B-52 của Mỹ. Họ coi thắng lợi của họ trong chiến dịch Linebacker II chống Mỹ là một “Điện Biên Phủ trên không”. Con số tính toán của họ về số máy bay Mỹ bị bắn hạ và tỷ lệ thiệt hại của Mỹ là khá cao, nhưng nói chung, xét về tổng thể, họ nói như thế là chính xác nếu nhìn về lâu dài: Mỹ đã tung ra khoảng 200 B-52 vào cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á và đã bị bắn rơi 15 chiếc (theo con số Mỹ công nhận, có nghĩa là bị tổn thất với tỷ lệ 7,3%). Trong chiến dịch này, Mỹ đã phải chuyển một số lớn B-52 ra khỏi nhiệm vụ tấn công hạt nhân. Tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, trong nhiều tuần lễ trước khi Mỹ bắt đầu Linebacker II, Hà Nội đã chuyển mấy trăm tên lửa SAM xuống vùng cán soong của Bắc Việt Nam (phía Bắc khu 4), số tên lửa này có thể cho di chuyển ra bảo vệ Hà Nội bất kể Liên Xô có kịp đưa thêm tên lửa mới sang không.

Về phía Mỹ, Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ không thể chấp nhận được việc chuyển nhiệm vụ chiến lược của các B-52 và cũng không thể chịu đựng được sự thiệt hại trong thời gian lâu hơn, dù cho tỷ lệ thiệt hại có thể thấp hơn nhiều trước khi có thể gây được tác động lớn đối với Bắc Việt trong trường hợp Mỹ sử dụng khả năng tác chiến nguyên tử của mình.

Quang Doãn (Giới thiệu)