Tấm thiệp cưới 42 năm trước của đôi uyên ương Nguyễn Văn Trỗi-Phan Thị Quyên

“Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra...”.
Chắc chắn khi đọc lại những vần thơ ấy của Tố Hữu, mỗi chúng ta đều thấy xúc động và tự hào về sự dũng cảm hy sinh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Và, hẳn mỗi người cũng đều tự hỏi, không biết chị Quyên – người vợ của anh Trỗi từ sau ngày anh hy sinh (15-10-1964) đến nay sống và làm việc ra sao? Bài viết này, người viết xin đưa bạn đọc đến với những nỗi niềm tâm sự của chị Quyên ngày ấy và nỗi lòng day dứt trên những trang nhật ký mới nhất của “thím Tư” bây giờ...
Khi còn học phổ thông, tôi không dám nghĩ là sẽ có ngày mình được gặp và chuyện trò thân mật với chị Quyên của 42 năm về trước. Vậy mà chiều nay, sau cái nhấn chuông cổng của tôi là nụ cười mến khách của “thím Tư”. Ở cái tuổi 62, nhưng gương mặt phúc hậu của “thím Tư” vẫn còn phảng phất nét thanh tú của thời con gái. Lần đầu được gặp gỡ, nhưng chị đã coi tôi như người quen từ trước. Cầm trên tay kỷ vật thiêng liêng là tấm thiệp cưới mang tên Phan Thị Quyên và Nguyễn Văn Trỗi còn lưu giữ, “thím Tư” nghẹn ngào dòng hồi ức. Chị kể, ngày ấy, anh Trỗi bị địch bắt vô khám hôm trước thì đêm hôm sau chị cũng bị bắt, rồi chúng giam chị cùng phòng với chị Y (nhân vật được nhắc trong tác phẩm Sống Như Anh). Nhờ được chị Y tuyên truyền giáo dục, chị Quyên đã giác ngộ cách mạng và sau này được ra Bắc học tập rồi trở vô Nam công tác.

"Có cái chết hóa thành bất tử"

Chị chân thành bộc bạch: “Chị cũng giống như bao người vợ trẻ khác là chẳng bao giờ muốn người chồng của mình đi vào những nơi nguy hiểm. Lúc đầu chị cũng trách anh, sao bỗng dưng lại làm những chuyện tày đình như vậy để phải vô khám, nhưng rồi được chị Y khuyên nhủ, giải thích việc làm của anh là chính nghĩa, chị mới thấy yên lòng…".

Là vợ của một liệt sĩ đã rất vất vả rồi, nhưng làm vợ của liệt sĩ là người nổi tiếng như anh Trỗi thì chị Quyên nghĩ, phải càng giữ gìn hơn trong cuộc sống thường nhật. Vì mọi sinh hoạt, làm việc đều phải cố gắng, khuôn phép hết sức sao cho không để một sơ suất nhỏ ảnh hưởng đến danh tiếng người đã khuất. 9 năm, sau ngày anh Trỗi hy sinh chị mới quyết định xây dựng gia đình mới. Năm 1995, ba anh Trỗi mất, gia đình ngoài Đà Nẵng điện vào, chị vội vàng làm đơn xin nghỉ phép về chịu tang ba anh Trỗi…

Chị nhớ mãi cuối năm 2005, chị được ra Bắc thăm lại Hà Nội. Tận mắt thấy lại những kỷ vật của anh Trỗi trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Trong những lá thư anh gửi cho chị có 2 bức thư mà chị vẫn không hiểu chị đã làm gì để cho anh buồn khiến chị về day dứt mấy tháng liền. Đặc biệt có 2 kỷ vật là chiếc đàn măng-đô-lin và chiếc khăn tay chị thêu mang tặng anh tại khám Chí Hòa hôm 15-9-1964. Gặp lại cây đàn chất chứa tình yêu của anh Trỗi, chị nghẹn ngào viết: “Sài Gòn, 24 giờ, ngày 20-11-2005. Đây là chiếc đàn măng-đô-lin của anh. Em đã đem ra chiến khu tháng 7-1965 và được chuyển ra Bắc. Nhìn cây đàn, em nhớ lại những buổi chiều hồi chúng mình quen nhau anh đã đàn cho em nghe và cả hát cho em nghe nữa. Anh còn hỏi em: “Tư đàn và hát có hay không?” (anh Trỗi là thứ tư trong gia đình nên chị thường gọi anh là Tư và xưng tên là Quyên khi hai người nói chuyện). Em nói: “Tư đàn, Q. nghe hay. Còn Tư hát, Q. nghe pha tiếng miền Trung nhiều hơn khi nói chuyện với Q.”. Anh cười và nói: “Khi nói chuyện với Q., Tư nói giọng Sài Gòn để Q. dễ nghe”.

Chiếc khăn tay chị Quyên thêu tặng anh Trỗi tại nhà giam Khám Chí Hòa.

Nghe anh nói, em càng thương anh nhiều. Ở cõi vĩnh hằng, Anh có nghe em nhắc lại chuyện cây đàn không? Anh hãy nói với em đi, hay anh đã giận em rồi phải không, Anh?” (Trích nhật ký của chị Quyên). Bốn câu thơ bằng chỉ đỏ: “Dù cho sóng gió bão bùng/ Lòng em vẫn giữ thủy chung vẹn toàn/ Cầu mong anh được bình an/ Nước nhà thống nhất, vinh quang anh về” được chị thêu nắn nót trên chiếc khăn tay ấy đã khiến chị day dứt buồn khôn nguôi. Dằn vặt lương tâm rồi chị viết: “Ngày 20-12-2005. Anh! Đọc những câu thơ này em thấy mình có lỗi nhiều với Anh. Thứ nhất, em đã không giữ được giọt máu của Anh. Hồi đó, em khờ quá không đi bệnh viện. Em đã đánh mất đứa con của chúng mình. Em đã nói dối anh khi ở khám tử hình. Anh hỏi, Em có thai phải không? Em trả lời không có, chứ không dám nói thật, sợ Anh buồn. Thứ hai, em đã không giữ được lòng chung thủy với Anh. Hãy tha lỗi cho em. Em không xứng đáng với Anh. Anh đừng giận em nha!”
(Trích nhật ký của chị Quyên).

Trên bàn thờ nghi ngút khói hương sắp đến ngày giỗ anh, chị đã chuẩn bị đầy đủ các loại bánh trái để mời anh về sum họp với gia đình. Hằng năm có dịp ra Đà Nẵng, chị đều về thăm quê anh như người con dâu năm xưa. Các cháu của anh Trỗi làm việc tại thành phố thường xuyên lui tới thăm hỏi và luôn coi chị là người thím thân thiết như ngày trước. Chị tâm sự: “Mộ anh Trỗi được đặt tại nghĩa trang Văn Giáp của làng ở Giồng Ông Tố (phường Bình Trưng Đông, Quận 2-thành phố Hồ Chí Minh) nên cứ vào tháng bảy (âm) hằng năm chị cùng gia đình đến nghĩa trang thắp hương và sửa sang lại mộ phần của anh và những người thân đã mất. Vì theo tập tục của người Việt Nam, đây là tháng báo hiếu đối với những người có công nên chị luôn ước nguyện cầu siêu cho người đã khuất và cầu an cho người sống…”. Vậy là dù ở hai thế giới cách biệt, nhưng tình cảm dành cho anh Trỗi vẫn nằm trong sâu thẳm tiềm thức của chị Quyên. 7 năm nay, kể từ khi nghỉ hưu, chị vẫn thường được các đoàn, hội hay trường học mời kể chuyện về anh Trỗi. Những lúc ấy trong lòng chị lại xốn xang và trào dâng lên một tình cảm mãnh liệt của ngày xa xưa ấy…

... Và niềm xúc động trước những kỷ vật của anh Trỗi

Như đã biết, 9 năm sau, chị Quyên đi bước nữa. Chị nhớ lại: “Ngày ra Hà Nội học cũng có nhiều người yêu mến nhưng chị chỉ thấy hợp với anh Lê Tâm Dũng. Trong cuộc sống đời thường, anh rất yêu thương chị và rất có trách nhiệm với 2 người con của mình”. Hiện tại, gia đình chị đang sống tại số nhà 60, đường Trần Ngọc Diện, khu phố 1, phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay người con trai của anh chị là Lê Tâm Việt (27 tuổi) đang làm việc trong ngành công an, còn cô con gái Lê Phan Hồng Nga (19 tuổi) đang là sinh viên năm thứ nhất.

Chị Quyên bộc bạch, hằng năm vào ngày giỗ anh Trỗi, anh Dũng thường mời bạn bè của cả 2 người về nhà ăn bữa cơm thân mật để tưởng nhớ tới vong linh người đồng đội cũ và chia sẻ với người vợ của mình. Và, chị cũng mời những bạn bè, những đồng chí của mình một thuở về đây cùng hương khói cho anh. Trước khi chia tay ra về, tôi được chị mời ân cần: “Nếu có điều kiện, mời em ghé lại nhà chị chơi vào ngày giỗ anh Trỗi (9-9 âm lịch)”.

TP HCM, chiều mưa 12-8-2006

Băng Phương