Một nghệ nhân Phù Lãng đang chế tác sản phẩm gốm

Dự án Hành trình văn hóa các làng gốm thủ công truyền thống vùng châu thổ sông Hồng được thực hiện từ năm 2004 nhằm xác lập các địa chỉ liên quan đến các làng gốm cổ truyền trong vùng; nâng cao ý thức của người dân các địa phương này trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của địa phương mình. Hành trình đi qua các làng gốm cổ Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu, Cậy (Hải Dương), Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh), Trung tâm gốm, sứ Đông Triều (Quảng Ninh) và các bộ sưu tập gốm cổ trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hải Dương, Nhà trưng bày di chỉ khảo cổ lò gốm Đương Xá (Bắc Ninh). Trong những năm qua, nhiều hoạt động trong khuôn khổ Dự án đã diễn ra như xác lập các địa danh lịch sử liên quan đến các làng gốm cổ truyền, giới thiệu các làng gốm cổ ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia Bỉ đã sang Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn cho các nghệ nhân Việt Nam nhằm quảng bá, nâng cao chất lượng của gốm Việt Nam, tiếp cận với các yêu cầu quốc tế.

Tại xưởng gốm Nhung ở làng gốm Phù Lãng, một trong 2 trung tâm gốm cổ đang tồn tại và phát triển ở miền Bắc, chúng tôi khá ấn tượng với những mẫu sản phẩm đang được các nghệ nhân chế tác. Theo ông Vũ Hữu Nhung, chủ xưởng gốm Nhung, xưởng của ông đã gia công gốm cho các đối tác Nhật Bản từ nhiều năm nay. Phần việc của ông là thực hiện theo mẫu mã họ đưa ra và đảm bảo không được đưa những mẫu mã tương tự ra thị trường. Các sản phẩm gốm này rất độc đáo, với những hình thù con giống lạ mắt, nhỏ xíu, đòi hỏi ở nghệ nhân sự tinh tế và đôi tay tài hoa. Sự tinh tế trong mỗi sản phẩm gốm khiến bà Luy-xét Đờ-phan-cơ (Lucette Defalque), giáo sư Trường Đại học Li-brơ đờ Brúc-xen (Bỉ) phải thốt lên: “Thật sự ấn tượng!”. Còn theo ông Phi-líp Xuy-nen (Philippe Suinen), Tổng giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Oa-lô-ni (Brúc-xen), khi nhìn những sản phẩm gốm được chế tác từ bàn tay người thợ Phù Lãng, ông thực sự lạc quan về sự phát triển của nghề này. “Tuy giữ được bản sắc truyền thống dân tộc nhưng các bạn vẫn phát triển được gốm đương đại. Với sự tham gia của các họa sĩ, nghệ sĩ, gốm đã trở nên hiện đại. Cụ thể là tôi đã nhìn thấy điều đó trên những sản phẩm đặt hàng của Nhật”, ông Xuy-nen nhận xét.

Lê-ô-na Pa-xcan (Léonard Pascal), Chủ tịch một hiệp hội gốm của Bỉ, đã có một thời gian tìm hiểu các làng nghề gốm phía bắc và cũng đã thực hiện nhiều buổi tập huấn cho các nghệ nhân gốm Việt Nam. Ông lấy làm ngạc nhiên khi gốm Việt Nam ít xuất hiện tại các triển lãm lớn quốc tế, nơi hầu hết các sản phẩm gốm đương đại của Nhật Bản và Trung Quốc chiếm lĩnh. Vì thế, theo ông Pa-xcan, cần thiết phải có sự liên kết giữa những người làm gốm, những làng sản xuất gốm, xây dựng những thương hiệu gốm "Made in Việt Nam" tại thị trường nước ngoài.

Khác với Phù Lãng, làng Thổ Hà ngày nay không còn nhiều xưởng gốm nhưng những dấu ấn xưa về một làng gốm cổ vẫn còn được bảo tồn, gìn giữ. Giáo sư Phrăng-xoa Pi-e (Francois Pierre) làm việc cho chương trình hợp tác APEFE, không ngớt lời ca ngợi về sự cổ kính của làng Thổ Hà. Đưa tay chỉ về phía mái đình Thổ Hà, ông nói: “Người châu Âu rất yêu thích sự cổ kính của các ngôi nhà. Khi đến đây, nhìn thấy mái đình 300 năm tuổi của Thổ Hà vẫn đứng vững với thời gian, tôi thật sự thích. Chuyến đi này thật tuyệt vời!”.

Bài và ảnh: KIM OANH