Việc sớm ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí và chống sử dụng tài sản công không đúng mục đích. Đó là ý kiến

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Võ Minh Phương phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhan Sáng -TTXVN

chung của đa số đại biểu tại buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật quản lý và sử dụng TSNN ngày hôm qua (12-5). Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau xoay quanh vấn đề liên quan tới trách nhiệm quản lý nhà nước về TSNN, có nên cho thuê TSNN…

Cho thuê TSNN hay không?

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), TSNN được đầu tư, trang bị cho cơ quan nhà nước (CQNN) là để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp tài sản không được sử dụng, hoặc sử dụng không hết thì phải được thu hồi, điều chuyển cho cơ quan khác để bảo đảm tài sản được sử dụng, phát huy tối đa công dụng của nó. UBTVQH đề nghị QH quy định về vấn đề này theo hướng CQNN không được sử dụng TSNN vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác.

Đa số đại biểu đồng tình với quan điểm trên của UBTVQH. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, nếu cho CQNN cho thuê TSNN sẽ đồng nghĩa với việc cho CQNN kinh doanh thì sẽ không đúng với chức năng của CQNN theo quy định của pháp luật và cũng không đúng với mục đích của việc đầu tư, trang bị tài sản. Thực tế cho thấy đã có không ít trường hợp tổ chức, cá nhân lợi dụng việc cho thuê TSNN tại các CQNN để tham ô, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí TSNN và xao nhãng việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) cho rằng, không nên sử dụng TSNN vào việc cho thuê vì đây là những tài sản lớn, nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nếu cho thuê tràn lan (làm nơi tổ chức hội họp, đám cưới…) sẽ vừa làm mất mỹ quan, vừa không bảo đảm an ninh, trật tự.

Trái ngược với quan điểm trên, đại biểu Tạ Ngọc Tấn (Thái Bình) kiến nghị, không nên đặt vấn đề ngăn cấm toàn bộ việc cho thuê tài sản mà nên xử lý bằng một giải pháp khác: cho phép tiếp tục cho thuê một phần tài sản trong thời gian nhất định. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ để bảo đảm phần thu ấy không rơi vào túi cá nhân, không bị tham nhũng.

Nên thành lập Cục Công sản

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về TSNN, một số đại biểu cho rằng, giao thẩm quyền quyết định việc giao TSNN cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở Trung ương quyết định là không phù hợp, do đó cần xem xét thật kỹ về vấn đề này.

Quan tâm đến trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý, sử dụng, tổ chức thực hiện công tác quản lý, sử dụng TSNN được quy định trong Điều 9, 10 của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, giao Bộ Tài chính công việc này là quá nặng, thậm chí, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến việc Bộ Tài chính “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan và không có một bộ phận tập trung quản lý. Đại biểu Phạm Thị Loan đề xuất, nên tách chức năng này của Bộ Tài chính giao cho Bộ Kế hoạch- Đầu tư thành lập Cục Công sản để tổ chức, hướng dẫn và trực tiếp hướng dẫn cho các cơ quan, ban, ngành về tổ chức đầu tư cũng như kiểm soát, xác định những vấn đề nảy sinh và xử lý. Bộ Tài chính là cơ quan kiểm soát về giá trị tài sản, về thực trạng và tham mưu cho Chính phủ về đầu tư cũng như chủ trương đầu tư.

Cũng trong ngày hôm qua, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật trưng mua, trưng dụng tài sản và dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

KIM OANH