ASEAN chỉ mạnh khi có sự đoàn kết nội bộ
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, cùng lãnh đạo các nước ASEAN đã đánh giá kết quả đạt được vừa qua và đề ra phương hướng triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN, bàn các biện pháp tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cộng đồng phải là chủ đạo để tạo nên sức mạnh của ASEAN. Ảnh: QUANG PHƯƠNG.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đều cho rằng, nhu cầu kết nối nội khối và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là mô%3ḅt đối tác toàn cầu ngày càng cần phải được xem trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, để đạt hiệu quả hợp tác thực chất, ASEAN cần ưu tiên thực hiện ba trọng tâm: Thứ nhất là đáp ứng lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm; thứ hai là nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN và thứ ba là tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác nội khối và liên kết khu vực.
Thực tiễn 50 năm trưởng thành của ASEAN đã chứng minh ASEAN chỉ mạnh khi có sự đoàn kết nội bộ. Đây là cơ sở để ASEAN vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên lớn mạnh và cũng là cơ sở để tạo nên tiếng nói thống nhất, lập trường chung trước các cường quốc, các đối tác quốc tế và tạo cho ASEAN có vị thế, vai trò ngày càng lớn trên thế giới. Để tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN có được sự ủng hộ và tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp người dân, ASEAN cần chú trọng các dự án gắn kết người dân các nước thành viên, mở rộng và kết nối các cơ hội việc làm, giao lưu văn hóa, du lịch… để người dân được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ tiến trình liên kết, hội nhập ASEAN. Bên cạnh đó, sau 50 năm hình thành và phát triển, đây là thời điểm ASEAN đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, cải tiến cơ chế, tinh giản bộ máy, coi đây là điều kiện cần thiết để ASEAN tiếp tục vững mạnh và vươn lên.
Một biện pháp để đẩy mạnh liên kết khu vực, hợp tác nội khối là cần dành ưu tiên cao cho hợp tác về kinh tế thương mại. Trong khi thương mại với các đối tác bên ngoài ASEAN tăng mạnh, thì giao lưu thương mại các nước nội khối ASEAN chỉ chiếm 25% và tăng chậm. Vì thế, lãnh đạo các nước ASEAN thấy rằng cần phải có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát huy thương mại nội khối, khai thác hiệu quả thị trường 620 triệu dân có sức mua ngày càng tăng. Cùng với đó, để tăng tiềm lực kinh tế khu vực, lãnh đạo các nước ASEAN xem xét sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động thực hiê%3ḅn Chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2025, dành nhiều nguồn lực hơn cho các hoạt đô%3ḅng khởi nghiệp và sáng tạo, hỗ trợ tiếp câ%3ḅn tài chính, mở rô%3ḅng thị trường trong nền kinh tế số toàn cầu.
Cần sớm xây dựng “một COC hiệu quả”
Vấn đề được các nước trong khu vực quan tâm là bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực, nhất là giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều nhà lãnh đạo đã khẳng định gìn giữ hòa bình, an ninh ở Biển Đông không chỉ là trách nhiệm của các nước liên quan mà là trách nhiệm chung của khu vực và quốc tế. Các lãnh đạo cũng khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy hoàn tất khung của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào giữa năm nay, tạo điều kiện sớm tiến tới xây dựng một COC hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ quan ngại về những chuyển biến sâu sắc của tình hình quốc tế và khu vực thời gian qua cũng như các tác động nhiều mặt đối với ASEAN và mỗi quốc gia thành viên. Các thách thức đa chiều này vừa là phép thử chiến lược, vừa là cơ hội để ASEAN chứng tỏ bản lĩnh và vai trò trung tâm trong viê%3ḅc xử lý các vấn đề khu vực. Trước tình hình và yêu cầu đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra một số đề xuất, cụ thể là: Thứ nhất, ASEAN cần đề cao trách nhiệm của thành viên và tinh thần cộng đồng, nhất là lập trường chung về các vấn đề quốc tế và khu vực, hướng tới một Cộng đồng ASEAN có vai trò và trách nhiệm trên trường quốc tế. Thứ hai, ASEAN cần đi đầu trong việc đề cao, tuân thủ luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, phù hợp với mục tiêu của ASEAN xây dựng một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ. Thứ ba, ASEAN cần nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác, chú trọng các hoạt động thực chất, tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ASEAN cần đề cao các nguyên tắc cơ bản và lập trường chung về giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); các bên cần kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và khả thi trên thực tế; góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việc can dự của các nước lớn có ảnh hưởng không nhỏ tới việc giải quyết các vấn đề khu vực. Tại hội nghị của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN được tổ chức tại thủ đô Ma-ni-la, Phi-líp-pin, vào chiều 28-4, các ý kiến đều cho rằng, ASEAN cần củng cố vai trò trung tâm của mình trong các cơ chế mà ASEAN làm chủ đạo, trong đó khuyến khích sự hiện diện và tham gia của các nước lớn trong khu vực một cách cân bằng và có tính xây dựng.
Vai trò, cảm hứng và sức hút từ Việt Nam
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mi-an-ma Ong San Su Chi (Aung San Suu Kyi) đã bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Việt Nam về những thành tựu trong công cuộc xây dựng đất nước. “Việt Nam là nguồn cảm hứng cho Mi-an-ma trong quá trình xây dựng đất nước”, bà Ong San Su Chi nói. Bà cho biết, phía Mi-an-ma nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Mi-an-ma.
Hầu hết trong các cuộc tiếp xúc song phương giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, Mi-an-ma, Thái Lan nhân dịp hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đều đánh giá cao vai trò trong khu vực và tiềm năng của Việt Nam, đồng thời thể hiện mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể.
Thủ tướng Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc (Najib Razak) đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong ASEAN. Thủ tướng Ma-lai-xi-a khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cho người Hồi giáo, xem xét tăng số lượng lao động Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực Ma-lai-xi-a có nhu cầu, khuyến khích các doanh nghiệp Ma-lai-xi-a đầu tư vào Việt Nam và mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ Việt Nam.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan-ô-cha (Prayut Chan-ocha), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan đồng ý cần cân bằng cán cân thương mại và thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước. Việt Nam sẽ cùng Thái Lan nỗ lực làm tốt vai trò dẫn dắt trong thực hiện lĩnh vực ưu tiên “Nâng cao năng suất, thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 đã đạt nhiều kết quả nổi bật, không chỉ ghi dấu mốc năm kỷ niệm “vàng” 50 năm của ASEAN mà còn ghi dấu ấn của Việt Nam-một thành viên luôn chủ động, tích cực và có trách nhiệm với sự phồn vinh của ASEAN.
HỒ QUANG PHƯƠNG, từ Ma-ni-la, Phi-líp-pin