Báo cáo nêu rõ: Năm 2017 là một năm thành công trên tất cả các mặt của nền kinh tế, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đến nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp; đã củng cố được niềm tin của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp; khẳng định được vị thế mới của nước ta trên trường quốc tế; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế đồng đều ở tất cả các lĩnh vực và đạt mức cao nhất từ năm 2011 đến nay; môi trường đầu tư kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; công tác phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực; công tác chỉ đạo phòng chống và khắc phục thiên tai hiệu quả; các mặt văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại, an ninh, quốc phòng... đều có chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan.
Báo cáo cũng chỉ rõ: Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2018 vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2017; tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, cao nhất trong các quý I của 10 năm trở lại đây. Tăng trưởng đồng đều ở cả 3 khu vực và cao hơn mức tăng cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,82%, thấp hơn nhiều so với bình quân cùng kỳ (4,96%); lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,34%, thấp hơn so với cùng kỳ (1,66%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 2,23%; mặt bằng lãi suất, thị trường vàng, ngoại hối tương đối ổn định, tỷ giá biến động linh hoạt; tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế đến hết tháng 3-2018 ước đạt trên 308 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 23,4% dự toán, tăng 5,3%; chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 290 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 19% dự toán, tăng 1,7%. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng đạt 1,4 triệu lượt; cân đối xuất, nhập khẩu là xuất siêu, đạt khoảng 1,3 tỷ USD....
 |
Toàn cảnh phiên họp sáng 14-5. Ảnh: quochoi.vn. |
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phấn khởi trước kết quả tăng trưởng nền kinh tế khá, nhưng lại băn khoăn khi tính bền vững của nền kinh tế chưa cao, kim ngạch xuất nhập khẩu phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp nước ngoài FDI. Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng Chính phủ cần lưu ý vấn đề này và có chính sách quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp trong nước, giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, giúp nền kinh tế tăng trưởng, phát triển hơn.
Trong thời gian qua, có hiện tượng giá đất tăng đột biến, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, lưu ý, có giải pháp phù hợp, nhất là ở các khu kinh tế đặc biệt như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc....
Về công tác phòng chống tội phạm và bảo đảm an toàn xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã nhắc đến một loạt vấn đề an ninh trật tự trong thời gian gần đây như: Chống người thi hành công vụ, hội thánh đức chúa trời hay vụ việc các “hiệp sĩ” bị các đối tượng ăn trộm xe máy tấn công gây thương vong vừa xảy ra ở TP Hồ Chí Minh, khiến tình hình xã hội bất ổn, nhân dân bất an. Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu có biện pháp cương quyết để xử lý.
Qua giám sát trực tiếp ở một số địa phương, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng bên cạnh những tỉnh, thành phố làm tốt thì vẫn còn đó một số địa phương chưa thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc: Từ đầu năm đến giờ, chủ tịch tỉnh mới có lịch tiếp dân một lần. Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng yêu cầu cần thiết phải tiếp dân mỗi tháng một lần và công khai trên cổng thông tin điện tử để nhân dân được biết. “Đây là vấn đề rất cần thiết để nghe ý kiến của dân. Chính phủ cần lưu ý, quan tâm, chỉ đạo các cấp thực hiện tốt công tác tiếp dân đúng luật ở các cấp. Nếu làm được điều này, vấn đề sẽ được giải quyết rất nhanh”, Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Cho rằng kết quả đạt được của nền kinh tế trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 rất tích cực, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình băn khoăn đến sự bền vững của nền kinh tế. Hiện chúng ta đang phát triển dựa vào vốn và lao động, nhưng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì đây không còn là nền tảng, bởi khi có lao động công nghệ rồi thì vốn không lớn và sức lao động của ta không còn là thế mạnh. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, tuy nhiên, các doanh nghiệp mới cơ bản đều nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Nếu tính tỉ lệ giữa số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp ngừng hoạt động thì chúng ta thấy rằng số doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn hơn số doanh nghiệp mới thành lập. “Đây là những vấn đề Chính phủ cần rất lưu ý”, đại biểu Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Ấn tượng với những kết quả tích cực của nền kinh tế trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, song Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị Chính phủ quan tâm xử lý những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế như đã đề cập trong báo cáo của Chính phủ. Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, theo đánh giá của Chính phủ thì năng suất lao động Việt Nam mới bằng 7% của Singapore, 57% của Philippines, 87% của Lào... và nhấn mạnh, điều này rất đáng suy nghĩ, Chính phủ phải hành động quyết liệt từ bây giờ.
Bên cạnh đó, cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, kinh tế trong nước tiếp tục phụ thuộc hơn vào các doanh nghiệp FDI. Theo báo cáo của Chính phủ, trong giá trị xuất khẩu, doanh nghiệp FDI chiếm tới 72%. Đáng lưu ý, trong năm 2017, tổ hợp Samsung đã đóng góp tới 94 tỉ USD/425 tỉ USD vào giá trị xuất khẩu của nước ta (chiếm 23%). “Chính phủ cần có nhiều phương án để bảo đảm tính dài hạn của nền kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, dự báo thị trường nông sản còn yếu. Mặc dù nông nghiệp năm 2017 và 4 tháng đầu năm tăng 4,06%, và kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 3,6 tỉ USD, trong đó nhiều mặt hàng như thủy sản, cà phê, trái cây, rau quả lên đến 3,5 tỉ USD, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường khó tính. Tuy nhiên, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích chưa đồng đều, một số nơi rất cao, một số nơi còn thấp. Ví dụ, ở Đắk Lắk, mỗi ha trồng bơ, cacao, cà phê có giá trị 3 tỉ đồng/năm; tại Mộc Châu, mỗi ha trồng chanh leo theo mô hình có giá trị 320 triệu đồng, nhưng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì giá trị sản xuất chỉ đạt 70-80 triệu đồng/ha. “Chính phủ cần sớm có phương án tái cơ cấu những vùng này mạnh mẽ hơn để rút ngắn đi khoảng cách quá xa như hiện nay”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị.
Tình trạng cháy nổ, đặc biệt là tại các chung cư, cũng đang gây mất an toàn cho đời sống người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ ra tình trạng cứ có cháy mới có yêu cầu kiểm tra, rà soát tình hình phòng cháy chữa cháy ở các chung cư; đề nghị Chính phủ có giải pháp để xử lý, bảo đảm an toàn ở các khu chung cư.
Cũng quan tâm đến vấn đề cháy nổ trong thời gian vừa qua, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần làm tốt hơn việc thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất quy định thực hiện phòng cháy, chữa cháy. Qua tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri TP Hồ Chí Minh đã bày tỏ bức xúc, lo lắng đối với nguy cơ cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng từ cuối năm 2017, do đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu tổ chức kiểm tra, rà soát sớm, thanh tra thì đã có thể giảm thiểu thiệt hại trong những vụ cháy nghiêm trọng như vụ cháy chung cư Carina Plaza hồi tháng 3 vừa qua. Đặc biệt cần quan tâm hơn đến thị trường thiết bị phòng chống cháy nổ, bởi vừa qua, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại một chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thì phát hiện nhiều sai phạm, đặc biệt là dù ở tầng hầm của chung cư có thiết bị phòng chống cháy rồi nhưng khi thử đốt ở tầng hầm với nhiệt độ 300 độ C thì hệ thống cảnh báo và vòi nước cứu hỏa đều không hoạt động. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị quan tâm hơn đến vấn đề cháy nổ cũng như thị trường thiết bị phòng chống cháy nổ để giảm thiểu những thiệt hại do chưa thanh tra, kiểm tra tốt.
NGUYỄN THẢO