Đáng chú ý, trong dự thảo luật, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào 2 phương án liên quan đến việc không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức.
Phương án 1: Không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn.
Phương án 2: Giữ hình thức kỷ luật giáng chức như Luật Cán bộ công chức hiện hành, bởi lẽ, quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Việc bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý.
Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội theo phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức (phương án 1).
Đề nghị bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên) ủng hộ phương án 1 như Chính phủ trình, tức là bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức tại khoản 1 điều 79, và thay bằng kỷ luật cách chức.
Đại biểu tỉnh Hưng Yên đã phân tích: Điều này bảo đảm tương ứng với khối hình thức xử lý đảng viên là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Do vậy công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cần có 4 hình thức xử lý: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Cùng với đó, nữ đại biểu cũng cho rằng, việc áp dụng hình thức giáng chức sẽ dẫn tới tình trạng nể nang né tránh, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
"Hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo bố trí việc làm bởi hình thức giáng chức thực chất chỉ là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý. Hơn nữa, người bị xử lý kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ, vẫn trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho người lãnh đạo mới trong thực hiện nhiệm vụ và tham mưu", đại biểu phân tích.
 |
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội. |
Đại biểu Trần Thị Hằng (Đoàn Quảng Ninh) cũng tán thành với phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, liên quan đến quy định về kỷ luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi quy định tại khoản 2 điều 82: "Quy định về cán bộ công chức bị kỷ luật khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời gian 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ công chức không vi phạm tớ mức bị xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật."
Đại biểu cho rằng, quy định này mang tính nhân văn cao song có điểm chưa hợp lý, cần được sửa đổi. Bởi lẽ, quy định này cần được căn cứ vào hành vi vi phạm kỷ luật là gì hay đối tượng vi phạm là ai, mức độ vi phạm đến đâu...; chứ quy định đồng loạt, cứ hết thời hạn 12 tháng lại được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm là không được...
Cần có chính sách đãi ngộ nhân tài cho phù hợp
Chất lượng công chức, viên chức cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), việc thu hút, trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới, ngày xưa ông cha ta đã làm và gọi họ là "nguyên khí quốc gia". Từ xưa đến nay, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên và có các chính sách để thu hút người tài vào làm việc trong bộ máy.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện có nhiều quan niệm khác nhau về nhân tài và chưa có văn bản nào xác định rõ thế nào là nhân tài, người có tài năng. Do đó, đại biểu kiến nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi quy định xác định thế nào là nhân tài để có chính sách đãi ngộ phù hợp.
Cũng liên quan đến chất lượng công chức, viên chức, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) thống nhất cao "việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể". Song đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định công chức có nhiệm vụ thống kê số lượng đầu công việc đã xử lý trong năm, bao gồm cả công việc chuyên môn gắn với vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các nhiệm vụ khác được lãnh đạo giao nhằm mang tính định lượng, góp phần xác định hiệu quả công tác của công chức, qua đó xác định hiệu quả sử dụng công chức của cơ quan, đơn vị.
“Có như vậy mới khắc phục được tình trạng làm nhiều sai nhiều, không làm không sai, hoặc chọn việc mà làm của một bộ phận công chức hiện nay; đồng thời tiến tới nâng cao hơn nữa chất lượng công chức, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng công chức của cơ quan đơn vị, cũng là hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước trong thời gian tới”, đại biểu nêu quan điểm.
PHƯƠNG HẰNG