Cần có vaccine “made in Vietnam” càng sớm càng tốt
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, với chủ trương hành động “chống dịch như chống giặc”, tuy “kẻ thù” rất mạnh và lại vô hình, mọi hành động quyết sách đều phải quyết liệt, quyết tâm cao, việc Quốc hội đồng ý cho Chính phủ thực hiện những hành động mạnh mẽ là việc làm rất cần thiết. Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa để đưa vaccine về Việt Nam và đồng ý cho doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vaccine cho nhân viên. Đặc biệt, cần có vaccine “made in Vietnam” càng sớm càng tốt.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị, cần quan tâm đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo đảm chủ quyền quốc gia, nhất là khu vực biên giới và trên biển; cần phải tăng cường đầu tư cho quân đội và các lực lượng vũ trang, bảo đảm đủ nguồn lực để không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.
 |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị quan tâm đến chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu. Ảnh: VPQH |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) nhắc đến thực tế số ca nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh đang tạo áp lực lớn lên công tác điều trị của hệ thống y tế, một số nơi có dấu hiệu quá tải về nhân lực và thiết bị y tế, cần sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế và các địa phương khác. Từ đó, đại biểu tỉnh Vĩnh Long đề nghị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, quan tâm đến chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời.
“Các anh chị lực lượng tuyến đầu đã bất chấp rủi ro, nguy hiểm đối với bản thân, gia đình và người thân để tham gia vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, thời gian, sức lực và đạo đức nghề nghiệp cao quý. Có lẽ, hơn lúc nào hết và hơn ai hết, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên trong ngành y tế, quân đội, công an và những người tham gia vào tuyến đầu của công tác phòng, chống dịch bệnh phức tạp cần được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, góp phần cùng cả hệ thống chính trị và cộng đồng quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19, ổn định cuộc sống, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nói.
Cũng qua thực tiễn phòng, chống dịch, nữ đại biểu cho biết, hệ thống y tế cấp huyện còn thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết, như hệ thống oxy trung tâm, máy thở, xét nghiệm... Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục đầu tư hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để củng cố, nâng cao năng lực, nhằm phát hiện sớm, can thiệp kịp thời có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi... Đồng thời, cần đầu tư đồng bộ trang thiết bị y tế chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật y tế tiên tiến, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao của người bệnh...
Bài học về liên kết vùng
Cũng nhắc đến sự thiếu hụt về nguồn nhân lực y tế tại các tỉnh miền Nam hiện nay, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, chưa bao giờ Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía nam bị “tổn thương” như trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Nhấn mạnh những khó khăn hiện nay ở các tỉnh phía Nam trước “bão Covid-19”, nhất là về nhân lực, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhắc đến bài học lớn về liên kết vùng. “Nếu các vùng kinh tế lớn của cả nước được liên kết chặt chẽ, thay vì "63 nền kinh tế" trong 63 tỉnh, thành phố như nhiều chuyên gia đã nhận định nhiều năm nay thì bài toán về nguồn lực cho phòng, chống dịch không khó để tìm ra lời giải”, đại biểu nói.
 |
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) nhắc đến bài học liên kết vùng cho phòng, chống dịch. Ảnh: VPQH |
Bài học liên kết vùng cũng là điều mà đại biểu tỉnh Bình Dương muốn nhắc đến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục được diễn ra trong tâm dịch. “Hệ thống sản xuất các khu công nghiệp cũng cần một sự liên kết, sự quan tâm từ các lãnh đạo tỉnh, thành phố, Hiệp hội các doanh nghiệp, ngành hàng, tạo cơ chế thuận lợi, dễ dàng hơn trong trung chuyển, cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu từ địa phương này đến địa phương khác, để tiếp tục duy trì mạch sống của nền kinh tế”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng kiến nghị, để đạt được mục tiêu kép thì những tỉnh, thành trọng điểm trong phát triển kinh tế, thu ngân sách nhà nước cần phải được quan tâm bảo vệ và một cơ chế ưu tiên để lựa chọn trong điều phối, tiếp cận mọi nguồn lực từ phòng, chống dịch đến nguồn lực kinh tế. Bởi lẽ, để bên cạnh công tác dập dịch còn phải duy trì sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
THẢO NGUYỄN