Theo Tờ trình về của Chính phủ, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã góp phần thống nhất chính sách về quản lý thuế, trên cơ sở đó công tác quản lý thuế đã được thay đổi theo cơ chế người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế; là cơ sở để thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý thuế; là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý thuế thực hiện nhiệm vụ thu đúng, thu đủ các khoản thu khác của ngân sách nhà nước; cơ sở đối tượng nộp thuế đã được mở rộng; tạo ra sự đồng bộ nâng cao tính minh bạch đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước...
Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết. Sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh việc đạt được kết quả quan trọng, nhưng Luật Quản lý thuế cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu cần được sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch...
Dự thảo Luật có bố cục gồm gồm 17 chương, 152 điều có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cơ bản như Luật Quản lý thuế hiện hành.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định việc quản lý các loại thuế và các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý (bao gồm cả cơ quan thuế và hải quan). Đồng thời, để bao quát tất cả các nguồn thu, dự thảo Luật điều chỉnh đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần phải cân nhắc xem có nên đưa các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu vào phạm vi điều chỉnh hay không, bởi đây chủ yếu là nhiệm vụ giao cho Chính phủ. Theo đại biểu Quốc hội Mai Hồng Hải (Hải Phòng), “các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu” nên đưa vào Điều 14 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cho đồng nhất.
Đi vào một số nội dung cụ thể, đối với các quy định về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) đề nghị, dự luật cần quy định cụ thể, rõ ràng, có sự giải thích rõ nghĩa để người nộp thuế có thể thực hiện được trách nhiệm của mình; đồng thời để các cơ quan giám sát có thể thực hiện việc giám sát một cách chính xác, khách quan. Đối với các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, các đại biểu đề nghị bổ sung những nội dung quy định cụ thể hơn về quyền hạn của Quốc hội trong việc ban hành, sửa đổi các Luật, văn bản quản lý thuế; thực hiện chức năng giám sát tối cao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế là hằng năm thực hiện việc kiểm tra quyết toán thuế của các doanh nghiệp có quy mô lớn, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện đầy đủ điều Luật này.
 |
Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu ý kiến. |
Cho rằng, dự thảo Luật Quản lý thuế đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết, đồng thời, bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng cơ sở pháp lý hiện hành và các điều khoản như dự thảo sửa đổi vẫn chưa ngăn chặn được việc chuyển giá, trốn thuế, nhất là đối với các giao dịch liên kết nếu có sự thông đồng giữa cơ quan quản lý thuế với doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải đưa vào dự thảo luật một cách mạnh mẽ hơn nữa các quy định về chống chuyển lợi nhuận và chống xói mòn nguồn thu mà quốc tế đang áp dụng một cách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) chỉ ra rằng, tại Khoản 1, Điều 8 có quy định: Người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử. Đại biểu phân tích, việc quy định này chưa thật sự rõ ràng, chưa bao quát hết tất cả các đối tượng. Theo quy định này thì các tổ chức cá nhân phải thực hiện giao dịch điện tử, nhưng lại có cụm từ “tổ chức cá nhân có điều kiện thực hiện giao dịch điện tử”. Vậy như thế nào là có điều kiện và không có điều kiện trong việc thực hiện giao dịch điện tử, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung này.
Về việc quản lý hóa đơn trong thuế VAT, hiện nay cơ chế cho phép doanh nghiệp tự tạo hóa đơn Giá trị Gia tăng (GTGT) được đưa vào thực hiện từ năm 2011-2012. Sau một vài năm thực hiện đã xuất hiện tình trạng gian lận hợp đồng để trốn lậu thuế. Trong công tác quản lý hợp đồng, việc bỏ bản kê hoá đơn sẽ làm khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra chéo của các cơ quan thuế. Do vậy, các đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, cơ quan thuế cần thực hiện đánh giá chuyên đề về việc áp dụng cơ chế doanh nghiệp tự tạo hợp đồng GTGT, từ đó nhìn nhận rõ những lỗ hổng trong quản lý để có hướng hoàn chỉnh phù hợp, hạn chế cơ bản tình trạng trốn lậu thuế GTGT thông qua việc gian lận hợp đồng. Các đại biểu cũng cho rằng, việc đưa vào áp dụng hợp đồng điện tử trong giai đoạn hiện nay cũng không thể yêu cầu áp dụng một cách đại trà với tất cả các doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy đây không phải là biện pháp đủ để giải quyết một cách cơ bản các tình trạng gian lận trốn thuế và hạn chế trong việc quản lý hóa đơn GTGT.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, trong 10 năm liên tiếp đã sửa đổi 3 lần Luật Quản lý thuế, các lần sửa đổi đều nhằm tạo ra cơ sở pháp luật, thống nhất chính sách về quản lý thuế, đồng bộ các luật thuế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và định hướng theo thông lệ quốc tế. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong muốn nhận được nhiều các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật khắc phục những hạn chế bất cập về chính sách cùng với cơ chế còn nặng về thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng nợ đọng thuế còn cao, chưa được giải quyết một cách dứt điểm.
PHƯƠNG HẰNG