Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết. Bởi lẽ, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ; những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam đã cam kết. Đáng lưu ý, việc sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh; là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, trong đó có các rối loạn tâm thần, hành vi, các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, giảm sút trí nhớ....
Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Sử dụng rượu, bia gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác.
“Tình trạng sử dụng rượu, bia gây nên những loại tội phạm, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự... đang là những vấn đề rất đáng báo động. Theo thống kê, hằng năm, ngân sách thu từ ngành kinh doanh rượu, bia đạt mức 50.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa lợi ích từ việc kinh doanh rượu, bia với chi phí khắc phục hậu quả do rượu, bia gây ra (như để điều trị các bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe những người nghiện rượu, bia mất khả năng lao động, hay đói nghèo do rượu, bia...) thì chi phí khắc phục hậu quả do rượu, bia gây ra lớn hơn rất nhiều. Theo thống kê của Tổ chức y tế Thế giới, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3%-3,3% GDP của mỗi quốc gia. Ở nước ta, phí tổn kinh tế do rượu, bia có thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng”, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) phân tích.
Nhấn mạnh đến thực trạng sử dụng rượu bia ở nước ta hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa, đại biểu Lê Thị Yến cho rằng điều này khiến giới trẻ rất dễ bị lệ thuộc vào rượu bia, ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi...
Đồng tình với việc cần thiết ban hành luật, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị trong chính sách phòng, chống tác hại của rượu, bia, cần có chính sách thứ 4 trong đó khuyến khích sản xuất các loại rượu, bia ít độ cồn hoặc không độ cồn; điều chỉnh tiếp cận của khách hàng đối với loại rượu, bia này. Trong đó, mỗi cửa hàng đều cần có khoảng không gian trưng bày loại rượu ít cồn hoặc không cồn, để người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận. Có như vậy, mới bảo đảm được nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời vẫn bảo đảm được nét văn hóa, quan hệ xã giao hằng ngày.
 |
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều 12-11. |
Quan tâm đến đồ uống có cồn, đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng) cho rằng, trong dự thảo luật hiện nói nhiều đến bia, nhưng lại chưa phân loại được các loại bia cụ thể. Theo đại biểu, ở các nước không “đánh đồng” việc quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn như thế này. Đại biểu dẫn chứng, các công nhân trong nhà máy bố trí bia 3,5 độ để thêm sức lao động. Do đó, dự luật cần có quy định rõ về nồng độ cồn: 0,5-3,5; 3,5-5,5; 5,5-8...., nhằm bảo đảm tính khả thi cũng như bảo đảm nét văn hóa phù hợp với nhiều nước trên thế giới. “Luật cần phân loại rõ hơn về các loại bia, để tùy từng độ cồn trong bia để có quy định loại nào được uống, loại nào không được uống. Nếu muốn giảm loại bia độ cồn cao và tăng loại bia có độ cồn thấp không ảnh hưởng đến sức khỏe thì cần có chính sách để phát triển việc kinh doanh bia có độ cồn thấp, đặc biệt là độ cồn dưới 3,5 độ”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng băn khoăn về điều kiện kinh doanh rượu. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.
“Câu hỏi đặt ra là nếu như sản xuất rượu thủ công mà không bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến thì có được không? Nhất là trong điều kiện nước ta, ở các vùng sâu, vùng sa, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc miền núi có thói quen nấu rượu uống, thậm chí lưu thông trên quy mô nhỏ.... Ranh giới giữa sản xuất rượu thủ công để kinh doanh với không phục vụ mục đích kinh doanh như thế nào, trong luật không rõ”, đại biểu nêu câu hỏi và cho rằng quy định như trong dự thảo luật là khá chặt chẽ về mặt luật pháp song cần phải bảo đảm tính khả thi trong thực tế.
Về kiểm soát quảng cáo rượu, bia, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng quy định kiểm soát chặt chẽ quảng cáo rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Do vậy, dự thảo luật cần đánh giá tác động xung đột giữa luật này với những luật khác. Chính vì lẽ đó, về kiểm soát rượu bia nên có quy định linh hoạt mức độ kiểm soát quảng cáo khác nhau đối với những sản phẩm rượu, bia có nồng độ cồn khác nhau. Đối với các hành vi nghiêm cấm, đại biểu cho rằng những điều cấm hiện nay quy định trong luật chưa có chế tài kèm theo nên sẽ rất khó xử lý. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung những chế tài cụ thể kèm theo, những điều cấm phải mang tính luật hoá cao để dễ áp dụng vào thực tế.
Về quy định độ tuổi tham gia vào quy trình làm rượu, Dự luật quy định độ tuổi dưới 18 tuổi không được tham gia vào quy trình làm rượu, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng quy định này còn bất cập. Hiện nay, đối với các hộ gia đình, các làng nghề nấu rượu đã được vinh danh thì đây là nghề truyền thống. Cha mẹ, ông bà truyền nghề cho con cháu thì dưới 18 tuổi đều có thành viên gia đình tham gia. Do vậy quy định này hiện không khả thi và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc lại tên gọi của luật vì tên luật sẽ quy định nội hàm của luật. Những quy định trong luật phải bám sát vào thực tế để khi ban hành luật có thể nhanh chóng đi vào thực tiễn; cần tăng cường việc tuyên truyền để hạn chế hành vi sử dụng rượu bia song song với việc ban hành luật.
Tin, ảnh: PHƯƠNG HẰNG