Chiều 25/4, Chính phủ đã trình Thường vụ Quốc hội dự luật giao thông đường bộ sửa đổi theo hướng thắt chặt quy định về độ tuổi, nồng độ cồn trong máu, khí thở của người điều khiển phương tiện. Quỹ đất dành cho giao thông đô thị cũng được ấn định.

Theo dự luật, một trong 22 hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển ôtô, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn, hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; điều khiển môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml, hoặc 0,25 mg/lít khí thở, hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

So với luật hiện hành, dự thảo đã tách bạch giữa người điều khiển môtô với người lái ôtô. Nồng độ cồn cũng được hạ thấp. Luật giao thông đường bộ hiện nay quy định cấm người đang điều khiển xe trên đường (không phân biệt ôtô hay xe máy) mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc 40 mg/lít khí thở, hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Chu nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận từng nhận xét: "Lái xe buýt chạy khiếp quá". Ảnh: Hoàng Hà.

Đa số ủy viên Thường vụ tán đồng với quy định mới này. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng cấm tuyệt đối không có cồn trong máu, hoặc khí thở là tốt nhất. "Ta cứ nói là tập quán uống rượu bia phổ biến trong dân, nhưng phải xem tập quán đó có tốt không? Các bạn quốc tế rất ngạc nhiên khi thấy dân ta nhậu nhẹt suốt".

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải trình, Chính phủ rất phân vân, có ý kiến muốn cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ còn trong máu, hoặc khí thở, nhưng thực tế không thể khả thi vì Việt Nam có tới 21 triệu người có xe máy. "Chúng tôi đã tham khảo quy định của 83 nước về vấn đề này và đưa ra một hạn mức cồn phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông", ông Dũng nói.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là độ tuổi của người điều khiển phương tiện. Dự luật mới giữ nguyên quy định hiện hành với phần lớn các phương tiện, chỉ tăng từ 21 lên 24 tuổi đối với tài xế xe khách 10-30 chỗ ngồi; tăng từ 25 lên 27 tuổi đối với tài xế xe khách trên 30 chỗ ngồi. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải thích việc nâng độ tuổi của lái xe khách là nhằm đảm bảo người lái có tâm lý ổn định, có kinh nghiệm để xử lý các tình huống và ứng xử với khách.

Rất ủng hộ quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận bày tỏ: "Tôi đã bỏ một ngày để đi xe buýt, hầu hết tuyến ở Hà Nội, thấy các lái xe trẻ chạy khiếp quá". Ông Thuận còn cho rằng luật cần sửa theo hướng đủ 18 tuổi, thay vì chỉ đủ 16 tuổi trở lên mới được lái xe gắn máy có dung tích dưới 50cc. Vì từ 16 đến 18 tuổi vẫn là trẻ em và các nước hầu hết cấm trẻ điều khiển xe máy.

Dự luật quy định: Tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải đảm bảo từ 16 đến 26% để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của giao thông đô thị. Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất phù hợp với cấp, loại đô thị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình: "Dưới 18 tuổi điều khiển xe máy rất nguy hiểm. Đi ra đường, thấy các tài xế trẻ 20-22 tuổi lái xe bạt mạng. Để tranh giành khách, họ phóng nhanh, vượt ẩu và gây ra tai nạn".

Không đồng tình với lập luận trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng xe dưới 50cc rất nhiều loại, nếu cấm cả người đủ 16 tuổi trở lên điều khiển loại này thì e rằng không khả thi. Ông Thi cũng cho rằng không nên nâng tuổi lái xe khách 10-30 chỗ ngồi lên 30 như một số ý kiến vì "hạn chế nhu cầu phát triển năng lực cá nhân".

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bổ sung: "Trẻ bây giờ phát triển nhanh, 16 tuổi là đủ sức khỏe để điều khiển xe gắn máy". Dẫn ra kinh nghiệm nhiều năm xử án, bà Phóng cho biết trong các loại án tai nạn giao thông thì người gây tai nạn lại không phải trẻ tuổi, mà phần lớn là người già, khả năng xử lý tình huống không nhanh nhạy.

Dự luật giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất vào kỳ họp thứ 3 tới.

Theo: Vnexpress-Hồng Khánh